Điều kiện hành nghề Quản tài viên? Thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề Quản tài viên? Những hành vi bị nghiêm cấm đối với Quản tài viên? Cho người khác thuê chứng chỉ hành nghề quản tài viên bị xử phạt như thế nào?
Điều kiện hành nghề Quản tài viên?
Tại Luật Phá sản 2014 quy định Những người sau đây được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên:
- Luật sư;
- Kiểm toán viên;
- Người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có kinh nghiệm 05 năm trở lên về lĩnh vực được đào tạo.
Điều kiện được hành nghề Quản tài viên:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan;
- Có chứng chỉ hành nghề Quản tài viên.
Thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề Quản tài viên?
Tại Nghị định 22/2015/NĐ-CP quy định hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề Quản tài viên gồm:
- Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên theo mẫu TP-QTV-01 ban hành kèm theo Nghị định này;
- Bản chụp Thẻ luật sư đối với luật sư; bản chụp Chứng chỉ kiểm toán viên đối với kiểm toán viên; bản chụp bằng cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng đối với người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng;
- Giấy tờ chứng minh có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực được đào tạo có xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng làm việc;
- 2 ảnh màu cỡ 3cm x 4cm.
Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tư pháp yêu cầu người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên nộp Phiếu lý lịch tư pháp.
Cơ quan tiếp nhận: Bộ Tư pháp.
Những hành vi bị nghiêm cấm đối với Quản tài viên?
Tại Nghị định 22/2015/NĐ-CP quy định Những hành vi bị nghiêm cấm đối với Quản tài viên như sau:
- Cho thuê, cho mượn hoặc cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng chứng chỉ hành nghề Quản tài viên của mình để hành nghề quản lý, thanh lý tài sản;
- Gợi ý hoặc nhận bất kỳ một khoản tiền hoặc lợi ích vật chất từ người tham gia thủ tục phá sản hoặc lợi dụng danh nghĩa Quản tài viên để thu lợi từ cá nhân, tổ chức ngoài chi phí Quản tài viên được nhận theo quy định của pháp luật;
- Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để thông đồng với cá nhân, tổ chức nhằm mục đích vụ lợi;
- Tiết lộ thông tin về tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán mà Quản tài viên biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được doanh nghiệp, hợp tác xã đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;
- Các hành vi khác trái với quy định của pháp luật, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Quản tài viê
Cho người khác thuê chứng chỉ hành nghề quản tài viên bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định:
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề quản tài viên để hành nghề quản lý, thanh lý tài sản.
Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề quản tài viên từ 01 tháng đến 03 tháng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề quản tài viên để hành nghề quản lý, thanh lý tài sản.
Theo đó, Cho người khác thuê chứng chỉ hành nghề quản tài viên bị Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng. Ngoài ra, bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề quản tài viên từ 01 tháng đến 03 tháng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.