Chính thức: Tòa án có thể xét xử trực tuyến từ ngày 1/1/2025

Chủ đề   RSS   
  • #617620 18/10/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 494 lần


    Chính thức: Tòa án có thể xét xử trực tuyến từ ngày 1/1/2025

    Từ ngày 1/1/2025, việc xét xử trực tuyến chính thức được áp dụng, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tiếp cận công lý.

    (1) Tòa án có thể xét xử trực tuyến từ ngày 1/1/2025

    Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân 2024, được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, đây là một văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực tổ chức và hoạt động của Tòa án.

    Theo đó, Luật này không chỉ thể hiện sự phát triển của hệ thống tư pháp Việt Nam mà còn đáp ứng nhu cầu cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả xét xử trong bối cảnh hiện đại.

    Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân 2024 bao gồm 09 Chương, 152 Điều, trong đó có nhiều sửa đổi, bổ sung và quy định mới liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án.

    Một trong những điểm nổi bật và đáng chú ý nhất là quy định về phương thức tổ chức xét xử. Theo Điều 136 Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân 2024, Tòa án có thể tiến hành xét xử bằng hai phương thức: trực tiếp và trực tuyến.

    Theo khoản 3 Điều 136 Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân 2024. phiên tòa xét xử trực tuyến được tổ chức tại phòng xử án, sử dụng các thiết bị điện tử kết nối qua mạng. Điều này cho phép bị cáo, bị hại, đương sự và những người tham gia tố tụng khác có thể tham gia từ xa, tại địa điểm ngoài phòng xử án do Tòa án quyết định.

    Ngoài ra, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa.

    Do đó, mặc dù tham gia từ xa, các đương sự vẫn được đảm bảo có thể trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia vào các thủ tục tố tụng một cách liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.

    Phương thức xét xử trực tuyến không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên liên quan mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những người không thể có mặt tại phiên tòa và đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh xảy ra dịch bệnh hoặc khi có những trở ngại về địa lý.

    Có thể nói, phương thức này là một quy định mang tính đột phá trong hoạt động tổ chức xét xử của Tòa án. Tuy nhiên, để quy định này thực sự đi vào cuộc sống, cần có sự đầu tư thích đáng về công nghệ, cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực.

    (2) Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án Nhân dân

    Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân 2024, việc tổ chức và hoạt động của Tòa án Nhân dân phải tuân thủ theo các nguyên tắc sau đây:

    1- Độc lập theo thẩm quyền xét xử.

    2- Bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật và Tòa án.

    3- Thực hiện quyền tư pháp kịp thời, công bằng, công khai, vô tư, khách quan.

    4- Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm.

    5- Thực hiện chế độ xét xử sơ thẩm có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.

    6- Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

    7- Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.

    8- Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm.

    9- Bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự.

    10- Tòa án chịu sự giám sát của Nhân dân, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.

    Các nguyên tắc này không chỉ tạo ra khung pháp lý cho hoạt động của Tòa án Nhân dân mà còn thể hiện cam kết của Nhà nước trong việc xây dựng một hệ thống tư pháp công bằng, minh bạch và hiệu quả.

     
    98 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận