Trong ngày 01/10/2014, nhiều chính sách nổi bật bắt đầu có hiệu lực. Cụ thể như sau:
1. Cách tính chi phí người làm chứng, người phiên dịch
Cách xác định và thanh toán chi phí giám định, định giá, người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng áp dụng theo Nghị định 81/2014/NĐ-CP.
Theo đó, khi tham gia phiên tòa giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự thì:
- Người giám định, định giá tham gia phiên tòa với tư cách người làm chứng được nhận tiền lương bằng 200% mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, tính theo ngày lương.
Người làm chứng trong các trường hợp khác được hưởng thù lao bằng 100% mức lương cơ sở nêu trên.
- Người phiên dịch được nhận tiền công tùy thuộc vào phiên dịch tiếng nước ngoài hay tiếng dân tộc thiểu số.
Người làm chứng, người phiên dịch tại phiên họp giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính, các hoạt động tố tụng khác giải quyết vụ án hình sự được hưởng chi phí bằng 50% mức chi phí khi tham gia phiên tòa.
2. Quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai
Theo Quyết định 44/2014/QĐ-TTg thì rủi ro thiên tai được phân cấp đối với từng loại thiên tai, căn cứ vào cường độ, phạm vi ảnh hưởng, khu vực chịu tác động trực tiếp và khả năng gây thiệt hại của thiên tai.
Cấp độ rủi ro của mỗi loại thiên tai được phân tối đa thành 5 cấp và được gắn với một màu đặc trưng, theo mức độ tăng dần của rủi ro thiên tai:
- Cấp 1 màu xanh dương nhạt là rủi ro nhỏ
- Cấp 2 màu vàng nhạt là rủi ro trung bình
- Cấp 3 màu da cam là rủi ro lớn
- Cấp 4 màu đỏ là rủi ro rất lớn
- Cấp 5 màu tím là thảm họa.
3. Chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp đối với người làm việc trong đơn vị thuộc lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Bộ Khoa học và Công nghệ
Mức phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp được tính trên mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) gồm các mức sau đây:
- Mức phụ cấp 70% áp dụng đối với người làm việc trực tiếp, thường xuyên tiếp xúc với nguồn bức xạ.
- Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với người làm việc hành chính, phục vụ trực tiếp tại các cơ sở mà có nguy cơ nhiễm xạ.
- Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với người làm việc gián tiếp, không thường xuyên tiếp xúc với nguồn bức xạ.
- Mức phụ cấp 20% áp dụng với người làm việc hành chính, phục vụ.
Nội dung trên được quy định tại Quyết định 45/2014/QĐ-TTg.
4. Thay đổi cách tính thuế nhà thầu nước ngoài
Thông tư 103/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh và có thu nhập tại Việt Nam.
Cách tính số thuế GTGT phải nộp dựa trên giá trị gia tăng theo quy định tại Thông tư 60/2012/TT-BTC đã được thay đổi thành tính dựa trên Doanh thu tính thuế GTGT, cụ thể như sau:
Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế Giá trị gia tăng x Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu
Trong đó, tỷ lệ % để tính thuế GTGT được quy định cụ thể từ 2-5% tùy ngành kinh doanh.
Ngoài ra, so với quy định cũ thì Thông tư 103/2014/TT-BTC còn có nhiều điểm mới như:
- Bổ sung thu nhập chịu thuế TNDN đối với thu nhập từ chuyển nhượng quyền tham gia hợp đồng kinh tế/dự án tại Việt Nam, chuyển nhượng quyền tài sản tại Việt Nam.
- Tỷ lệ thuế TNDN 1% trên doanh thu tính thuế được áp dụng đối với việc cung cấp hàng hóa theo tất cả các điều kiện giao hàng của Incoterms mà người bán chịu rủi ro liên quan đến hàng hóa vào đến lãnh thổ VN (quy định cũ chỉ áp dụng với các điều kiện DDP, DAT, DAP).
5. Báo tin vi phạm hành chính sẽ được thưởng đến 10% giá trị tang vật
Theo quy định của Thông tư 105/2014/TT-BTC thì định mức chi phí mua tin báo vi phạm hành chính được tính theo giá trị tang vật thu được nộp ngân sách và mức xử phạt hành vi.
Trước đây, theo quy định của Thông tư 153/2013/TT-BTC thì chi phí mua tin này chỉ được tính theo mức xử phạt.
Như vậy, theo quy định mới này,số tiền cơ quan xử lý vi phạm có thể trả cho người báo tin sẽ lên đến 10% tổng số tiền xử phạt và giá trị tang vật phương tiện vị phạm bị tịch thu xung công quỹ.
Tuy nhiên, mức chi trả tối đa cho mỗi tin báo vẫn không thay đổi và giới hạn ở mức 5 triệu đồng.
Đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mức chi trả tối đa là 50 triệu.
Trong trường hợp không ra quyết định xử phạt, không bán được tang vật thì vẫn thực hiện chi trả tiền mua tin theo mức trên.
6. Khu kinh tế cửa khẩu sẽ được hưởng nhiều ưu đãi thuế
Theo Thông tư 109/2014/TT-BTC, từ ngày 01/10 sẽ bắt đầu áp dụng nhiều chính sách ưu đãi đối với khu phi thuế quan của khu kinh tế cửa khẩu (KPTQ).
Các chính sách này tập trung vào các nghĩa vụ tài chính như:
- Ưu đãi thuế TNDN đối với DN, ưu đãi thuế TNCN cho cá nhân hoạt động làm việc trong KPTQ.
- Không tính thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt với hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu ra nước ngoài hoặc nhập khẩu từ nước ngoài vào KPTQ (trừ một số ngoại lệ theo quy định).
- Miễn thuế nhập khẩu, miễn hoặc không tính thuế xuất khẩu đối với máy móc, thiết bị, hàng hóa, dịch vụ đáp ứng quy định của Thông tư.
- Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước và tiền sử dụng đất theo quy định của Quyết định 72/2013/QĐ-TTg .
Để được áp dụng các ưu đãi này, các KPTQ phải đáp ứng điều kiện của Thông tư 109 như: có ranh giới xác định; được ngăn bằng hàng rào cứng; bảo đảm điều kiện kiểm tra, giám sát, kiểm soát...
7. Cải cách thủ tục nộp thuế cho hàng xuất nhập khẩu
Thông tư 126/2014/TT-BTC hướng dẫn mới về việc kê khai, thu nộp tiền thuế, tiền phạt đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Thông tư này đã quy định chi tiết hơn về trình tự nộp thuế tại Kho bạc Nhà nước và các tổ chức tín dụng có thỏa thuận phối hợp thu ngân sách nhà nước, theo đó có một số nội dung đáng chú ý như:
- Sử dụng mẫu bảng kê mới (số 01/BKNT) thay cho mẫu kèm Thông tư 128/2011/TT-BTC.
- Khi nộp tiền thuế, tiền phạt tại các tổ chức tín dụng thì nơi tiếp nhận tiến hành truy vấn thông tin trên cổng thanh toán điện tử hải quan và chuyển ngay số tiền này vào tài khoản thu ngân sách nhà nước, nếu thông tin không khớp thì yêu cầu người nộp tiền điều chỉnh thông tin trước khi chuyển.
Trường hợp không có thông tin người nộp tiền trên cổng thanh toán thì vẫn tiến hành chuyển tiền dựa trên thông tin trên bảng kê, sau đó chuyển thông tin đó cho cơ quan hải quan để bổ sung.
Thông tư cũng quy định về điều kiện, thủ tục đối với các tổ chức tín dụng để tham gia hệ thống thu ngân sách nhà nước.
Có một điều không bao giờ thay đổi, đó là " Mọi thứ đều thay đổi"