Theo đó, sau buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, thực hiện giải quyết một số đề xuất, kiến nghị của Hội Nhà báo Việt Nam như sau:
(1) Hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực báo chí
- Giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định liên quan tới hoạt động báo chí như Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (hoàn thiện trong năm 2023).
- Giao Bộ TT&TT và các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi các quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí về định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình phù hợp với yêu cầu phát triển chung của đất nước và của ngành báo chí (hoàn thiện trong Quý III năm 2023).
(2) Giải quyết kiến nghị Quy hoạch và phát triển báo chí toàn quốc
Giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan rà soát, đề xuất xây dựng, hoàn thiện chính sách để việc thực hiện quy hoạch báo chí hợp lý, hiệu quả hơn, đi vào thực chất, phù hợp với xu thế phát triển.
(3) Về hạ tầng công nghệ thông tin
Giao Bộ trưởng Bộ TT&TT chỉ đạo các cơ quan liên quan hỗ trợ bảo đảm hạ tầng số cho các cơ quan báo chí, tăng cường ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.
Xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số trong hoạt động báo chí nói riêng, để cơ quan báo chí phải là một trong những cơ quan tiên phong về chuyển đổi số.
(4) Đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực báo chí, truyền thông
- Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam nghiên cứu, đề xuất xây dựng kế hoạch, rà soát chương trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu ngành, lĩnh vực báo chí.
- Đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại hàng năm cho hội viên, nhà báo, phóng viên về kỹ năng làm báo trong kỷ nguyên số, ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động báo chí. Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ quan báo chí.
(5) Cơ sở vật chất cho các cơ quan báo chí
- Giao Bộ TT&TT đề xuất cơ chế huy động như hợp tác công - tư trong tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ quan báo chí.
- Huy động được sức mạnh của xã hội; chống tiêu cực, tham nhũng.
(6) Tài chính cho các cơ quan báo chí
- Bố trí tài chính theo hướng đặt hàng, giao nhiệm vụ, cân đối nguồn lực chung cho hoạt động báo chí.
- Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cơ chế bảo đảm hoạt động của các cơ quan báo chí minh bạch, công khai, hiệu quả, nằm trong tổng thể chung của các cơ quan trong hệ thống chính trị.
(7) Chế độ, chính sách cho người làm công tác tại Hội Nhà báo Việt Nam và Hội nhà báo tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Giao Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Bộ TT&TT nghiên cứu, xử lý kiến nghị của Hội Nhà báo Việt Nam theo thẩm quyền và quy định hiện hành.
- Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
(8) Triển khai Kế hoạch hành động hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam
- Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành và phát triển của Báo chí Cách mạng Việt Nam.
- Giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam căn cứ Kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành để xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, đảm bảo ý nghĩa, thiết thực và hiệu quả. Trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.