"Chim có tổ người có tông", có được xử lý tài sản thế chấp có phần mồ mả của tổ tiên không?

Chủ đề   RSS   
  • #615028 09/08/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 10

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (912)
    Số điểm: 14595
    Cảm ơn: 19
    Được cảm ơn 308 lần


    "Chim có tổ người có tông", có được xử lý tài sản thế chấp có phần mồ mả của tổ tiên không?

    Mồ mả là nơi an nghỉ của người đã khuất, việc xử lý tài sản thế chấp đối với quyền sử dụng đất mà trên đó có mồ mả không bị pháp luật cấm nhưng phải cân nhắc nhiều khía cạnh khác.

    (1) Chim có tổ người có tông là gì?

    “Chim có tổ người có tông” là câu tục ngữ nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết giữa cá nhân và cộng đồng, giữa con người với gia đình, dòng tộc. Giống như chim luôn tìm về tổ, con người cũng luôn hướng về cội nguồn của mình.

    Không ai xuất hiện một cách ngẫu nhiên trên cuộc đời này mà không có tổ tiên, dòng họ. Câu tục ngữ mang ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn và sự kính trọng của con cháu đối với tổ tiên, ông bà. Nó nhắc nhở chúng ta về công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và những thế hệ đi trước.

    Từ xa xưa, người Việt Nam quan niệm rằng cái chết không phải là chấm hết mà chỉ là sự chuyển đổi sang một trạng thái khác. Phong tục thờ cúng tổ tiên đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa người Việt để thể hiện thành kính và sự biết ơn đối với tổ tiên, những người đã khuất.

    Mộ phần là nơi yên nghỉ cuối cùng của người đã khuất, được xem như một vùng đất linh thiêng, không ai được phép xâm phạm. Việc di dời mộ phải thực hiện theo nghi thức nghiêm túc, thể hiện lòng thành kính đối với người đã khuất.

    Theo khoản 1 Điều 7 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định, việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự phải bảo đảm giữ gìn bản sắc dân tộc, tôn trọng và phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp, tình đoàn kết, tương thân, tương ái, mỗi người vì cộng đồng, cộng đồng vì mỗi người và các giá trị đạo đức cao đẹp của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.

    Như vậy, ngoài việc đúng với quy định pháp luật, việc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự còn phải bảo đảm giữ gìn bản sắc dân tộc, phong tục, tập quán của người Việt Nam.

    Trong xã hội hiện đại, khi mà các giá trị truyền thống có nguy cơ bị mai một, câu tục ngữ "Chim có tổ, người có tông" vẫn giữ nguyên ý nghĩa của nó. Nó nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của gia đình, dòng tộc và cội nguồn, giúp chúng ta cân bằng giữa cuộc sống hiện đại và những giá trị truyền thống tốt đẹp.

    (2) Diện tích đất có phần mồ mả được thế chấp không?

    Theo quy định tại Điều 317 Bộ Luật Dân sự 2015, thế chấp tài sản là việc một bên (bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (bên nhận thế chấp).

    Sau khi thế chấp. tài sản thế chấp sẽ do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.

    Theo đó, tại khoản 3 Điều 318 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định, trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    Như vậy, nếu trường hợp bên thế chấp thực hiện thế chấp toàn bộ diện tích quyền sử dụng đất của mình, thì tất cả những tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, bao gồm cả nhà ở và phần diện tích có mồ mả.

    (3) Có được xử lý phần mồ mả khi xử lý tài sản thế chấp không?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 299 Bộ Luật Dân sự 2015, bên nhận tài sản đảm bảo có quyền xử lý tài sản trong các trường hợp:

    - Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

    - Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.

    Theo quy định của pháp luật, nếu đến thời hạn trả nợ mà bên thế chấp không thực hiện nghĩa vụ trả trợ thì bên nhận thế chấp có quyền xử lý tài sản đảm bảo.

    Trở lại với chủ đề của bài viết, nếu phần tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất có mồ mả thì có được xử lý không?

    Dựa vào quy định trên, pháp luật không cấm việc xử lý tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất mà trong đó có phần mồ mả, tuy nhiên, khi xét theo khía cạnh phong tục tập quán của người Việt Nam, tinh thần nhân đạo của pháp luật Việt Nam thì việc xử lý phần diện tích đất có mồ mả người đã khuất có phần chưa phù hợp.

    Tham khảo thêm quyết định của Tòa án tại Dự thảo Án lệ 13/2024, bên nguyên đơn trong án lệ này là ngân hàng C và bị đơn là bà N. Theo đó, bà N đã vay tiền tại ngân hàng C nhưng khoản nợ đã quá hạn và bà N không có khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ, do đó ngân hàng C đã yêu cầu xử lý tài sản đảm bảo là quyền sử đụng đất tại 06 thửa đất, trong đó có 02 thửa đất có diện tích phần mồ mả.

    Theo đó, Hội đồng xét xử đã chấp thuận một phần yêu cầu xử lý tài sản thế chấp của nguyên đơn, tuy nhiên với 02 thửa đất có phần mồ mả, Hội đồng xét xử xét thấy việc xử lý tài sản thế chấp đối với 02 thửa đất này là không trái với quy định của pháp luật, nhưng để phù hợp với phong tục tập quán của người Việt Nam, tinh thần nhân đạo của pháp luật Việt Nam, Hội đồng xử quyết định không chấp nhận yêu cầu xử lý tài sản thế chấp đối với 02 thửa đất có phần mồ mả trên.

    >>> Tham khảo thêm Dự thảo Án lệ 13/2024 tại đây https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/8/09/Du_thao_an_le_so_13.2024_1716281332785.pdf

    Như vậy, việc xử lý phần mồ mả khi xử lý tài sản chấp không bị pháp luật cấm, nhưng để phù hợp với phong tục tập quán, tinh thần nhân đạo và đúng với ý nghĩa của câu tục ngữ "chim có tổ người có tông", tài sản thế chấp có phần mồ mả sẽ không được đem ra để xử lý theo quy định về xử lý tài sản đảm bảo nhằm bảo vệ các giá trị truyền thống, phong tục tốt đẹp đã có từ thời xa xưa của con người Việt Nam.

     
    48 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận