Chích cá bằng điện gây chết người thì chịu mức phạt gì?

Chủ đề   RSS   
  • #603377 19/06/2023

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2349)
    Số điểm: 81119
    Cảm ơn: 84
    Được cảm ơn 1703 lần
    ContentAdministrators
    SMod

    Chích cá bằng điện gây chết người thì chịu mức phạt gì?

    Chích điện đánh bắt cá là hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên hiện nay vẫn còn khá phổ biến và dễ bắt gặp nhất đối với các vùng có nhiều kênh rạch, sông nước. Vậy mức xử phạt đối với hành vi xung điện để bắt cá trái phép là gì? Sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp nào? 

    Ở một số vùng sông nước, người ta dễ dàng phát hiện một số người dân đánh bắt cá bằng cách xung điện hay còn gọi là đánh cá bằng chích điện hay xiệt cá. Những hành vi kể trên đều là hoạt động đánh cá thông qua việc sử dụng xung điện gây giật và sốc hàng loạt ở cá dẫn đến cá tê liệt hay cá chết hàng loạt để có thể dễ dàng bắt lấy chúng.

    Đây là hành vi vi phạm pháp luật bởi không chỉ phá hoại nguồn lợi thủy sản, gây ô nhiễm môi trường mà còn gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng con người.

    Phương thức đánh bắt cá bằng điện

    Để chích điện bắt cá người ta thả xuống nước hai điện cực cách nhau một khoảng đủ xa, cỡ 2 đến 10m, rồi bấm công tắc phóng xung điện mạnh, cỡ 100-500V, để tạo điện trường trong nước. 

    Theo đó, điện trường này sẽ tác động tới cá ở vùng giữa và vùng gần hai điện cực. Thông thường thì cá sẽ bị sốc điện và nếu điện cực mạnh hoặc phóng kéo dài thì sốc điện có thể làm chúng chết. 

    Khi phóng điện xuống vùng nước thì hầu hết các loài động vật thủy sinh từ to đến nhỏ quanh khu vực đó đều bị điện giật tê liệt. Nếu điện áp đủ cao và công suất phát đủ lớn để xung điện kéo dài thì từ cá con đến cá lớn, tép, cua, tôm, lươn, rắn,… có thể chết nổi bụng lên mặt nước.

    Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường.

    Mức xử phạt đối với hành vi đánh bắt cá bằng điện

    Đánh bắt cá bằng điện là hành vi rất nguy hiểm, không chỉ có tính hủy diệt, tận diệt, gây ra nhiều hệ lụy tới môi trường mà còn tiềm ẩn những mối nguy hiểm rất lớn đến sức khỏe và tính mạng của con người.

    Theo đó, căn cứ tại Luật thủy sản 2017 quy định nghiêm cấm hành vi sử dụng dòng điện, xung điện để khai thác thủy sản. Cụ thể:

    Tại khoản 7 Điều 7 Luật thủy sản 2017 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản có bao gồm hành vi sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản.

    Xử phạt vi phạm hành chính

    Hành vi dùng điện để khai thác thủy sản có thể bị xử lý hành chính bằng hình thức phạt tiền theo Điều 28 Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, cụ thể như sau:

    - Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá.

    - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản.

    - Phạt tiền đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản: 

    + Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét; 

    + Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét; 

    + Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên.

    - Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng dòng điện (điện lưới) để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Ngoài ra, còn có hình thức phạt bổ sung như: tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ; tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 03 tháng đến 06 tháng.

    Như vậy, người đánh bắt cá bằng xung điện, kích điện sẽ bị phạt tiền từ 03-05 triệu đồng và tịch thu công cụ xung điện, kích điện. 

    Đối với tổ chức, khi thực hiện hành vi đánh bắt cá bằng xung điện, kích điện sẽ bị phạt từ 06-10 triệu đồng.

    Truy cứu trách nhiệm hình sự

    Hành vi đánh bắt cá bằng điện này còn có thể quy vào Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 242 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, khi thuộc trường hợp:

    Người nào vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc một trong các trường hợp sau đây, gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

    - Sử dụng chất độc, chất nổ, hóa chất, dòng điện hoặc phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản;

    - Khai thác thủy sản trong khu vực cấm hoặc trong khu vực cấm có thời hạn;

    - Khai thác loài thủy sản bị cấm khai thác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 244 của BLHS 2015;

    - Phá hoại nơi cư ngụ của loài thủy sản thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;

    - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

    - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

    - Vi phạm quy định khác của pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

    Đối với hành vi đánh bắt thủy sản bằng điện gây chết người thì bị xử lý thế nào?

    Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 05 năm:

    - Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

    - Làm chết người;

    - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.

    Mức phạt cao nhất có thể bị phạt tù lên đến 10 năm

    Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Bên cạnh đó, đối với pháp nhân thương mại nếu vi phạm tội này thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm tùy trường hợp phạm tội. 

    Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

     
    1353 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn xuanuyenle vì bài viết hữu ích
    admin (17/07/2023)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận