Chia sẻ doanh thu với doanh nghiệp, hộ kinh doanh kê khai thuế thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #614911 07/08/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 10

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (912)
    Số điểm: 14595
    Cảm ơn: 19
    Được cảm ơn 308 lần


    Chia sẻ doanh thu với doanh nghiệp, hộ kinh doanh kê khai thuế thế nào?

    Vấn đề quan trọng trong chia sẻ doanh thu mà nhiều người quan tâm là việc kê khai thuế. Vậy, khi chia sẻ doanh thu với doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải kê khai thuế thế nào?

    (1) Chia sẻ doanh thu giữa doanh nghiệp và hộ kinh doanh là gì?

    Chia sẻ doanh thu giữa doanh nghiệp và hộ kinh doanh là một hình thức hợp tác kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp là một tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân, được cấp phép hoạt động theo quy định của pháp luật, hộ kinh doanh là cá nhân kinh doanh không thành lập pháp nhân, thường quy mô nhỏ hơn doanh nghiệp. 

    Cả hai bên cùng góp vốn, cùng hoạt động kinh doanh và sau khi trừ đi tất cả các chi phí phát sinh trong quá trình kinh doanh, lợi nhuận thu được sẽ được chia cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh theo tỷ lệ đã thỏa thuận.

    Ví dụ: Công ty A (doanh nghiệp) hợp tác với anh B (hộ kinh doanh) để mở một cửa hàng bán đồ thể thao. Cả hai cùng góp vốn, cùng quản lý cửa hàng. Cuối mỗi tháng, doanh thu thu được trừ đi các chi phí như tiền thuê mặt bằng, tiền hàng, lương nhân viên... sẽ được chia cho công ty A và anh Bình theo tỷ lệ 60:40.

    Ưu điểm của hình thức chia sẻ doanh thu là làm tăng khả năng cạnh tranh khi kết hợp thế mạnh của doanh nghiệp (vốn, nguồn lực) và hộ kinh doanh (sáng tạo, linh hoạt), rủi ro kinh doanh cũng được chia sẻ giữa các bên, giảm thiểu thiệt hại cho mỗi bên khi gặp phải khó khăn. Và cuối cùng, với sự hợp tác chặt chẽ, cả hai bên cùng nhau đóng góp ý tưởng, kinh nghiệm để đạt được hiệu quả kinh doanh cao hơn.

    (2) Chia sẻ doanh thu với doanh nghiệp, hộ kinh doanh kê khai thuế thế nào?

    Vì các lợi ích và ưu điểm trên, hiện nay không ít doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã hợp tác với nhau theo hình thức chia sẻ doanh thu.

    Đối với các hộ kinh doanh mới thực hiện hình thức này, vướng mắc lớn nhất chính là việc kê khai thuế thực hiện như thế nào, có phải thực hiện theo Điều 8 Thông tư 40/2021/TT-BTC hay không?

    Theo điểm b khoản 1 Điều 8 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định: tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trong các trường hợp tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân.

    Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng trong trường hợp tổ chức hợp tác với cá nhân, không phải trường hợp giữa hộ kinh doanh và tổ chức. Do đó, đối với trường hợp chia sẻ doanh thu giữa hộ kinh doanh và tổ chức chúng ta sẽ áp dụng theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, cụ thể:

    Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân hợp tác kinh doanh.

    Trường hợp tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo quy định tại khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế 2019, mà cá nhân có ngành nghề đang hoạt động cùng với ngành nghề hợp tác kinh doanh với tổ chức thì tổ chức và cá nhân tự thực hiện khai thuế tương ứng với kết quả thực tế hợp tác kinh doanh theo quy định.

    Như vậy, đối với trường hợp chia sẻ doanh thu, hợp tác kinh doanh giữa giữa hộ kinh doanh và tổ chức, nếu hộ kinh doanh có ngành nghề đang hoạt động cùng với ngành nghề hợp tác  kinh doanh với tổ chức thì tổ chức và cá nhân sẽ tự mình thực hiện việc kê khai thuế với phần doanh thu thực tế mà mình nhận được khi hợp tác kinh doanh.

    (3) Thời hạn nộp hồ sơ kê khai thuế

    Căn cứ vào Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế sẽ tùy vào loại hình thức khai thuế, cụ thể:

    Đối với loại thuế khai theo tháng, theo quý

    - Chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo tháng

    - Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo quý.

    Đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm

    - Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm; chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm;

    - Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế;

    - Chậm nhất là ngày 15 tháng 12 của năm trước liền kề đối với hồ sơ khai thuế khoán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán; trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới kinh doanh thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh.

    Đối với loại thuế khai và nộp theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế

    Chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.

    Đối với trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng hoặc tổ chức lại doanh nghiệp

    Chậm nhất là ngày thứ 45 kể từ ngày xảy ra sự kiện.

    Tổng kết lại, khi chia sẻ doanh thu với doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ tự mình thực hiện việc khai thuế đối với phần doanh thu thực tế mình nhận được khi hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp. Hồ sơ kê khai thuế và thời hạn nộp thuế thực hiện theo Luật Quản lý thuế 2019.

     
    107 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận