Việc một nhân viên của một Trung tâm Y tế huyện trên đường từ nơi làm việc đến kho bạc theo sự phân công của Trưởng phòng gặp tai nạn giao thông, gây thương tích 37% thì có được đề nghị Trung tâm Y tế huyện giải quyết chế độ tai nạn lao động với vai trò là người sử dụng lao động không?
Theo quy định tại Điều 48, Điều 49 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015: người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động với các mức hưởng khác nhau tùy thuộc vào mức độ suy giảm khả năng lao động.
Ngoài chế độ bảo hiểm nêu trên, người bị tai nạn lao động còn được người sử dụng lao động chi trả các khoản theo quy định tại Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 như sau:
- Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định:
+ Phần chi phí đồng chi trả và các chi phí không trong danh mục do BHYT chi trả đối với người lao động tham gia BHYT;
+ Toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia BHYT;
- Trả đủ tiền lương trong thời gian nghỉ việc điều trị, phục hồi chức năng lao động;
- Bồi thường cho người bị tai nạn lao động không do lỗi của mình gây ra:
+ Ít nhất 1,5 tháng lương nếu suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng lương nếu suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
Với tỷ lệ suy giảm khả năng lao động là 37% thì sẽ được bồi thường 12,3 tháng lương. Còn về vấn đề đơn vị mình trích khoản tiền chi trả này từ nguồn nào thì hiện tại Luật không có quy định cụ thể, cần dựa vào nguồn tài chính của đơn vị để thực hiện chi trả .