Khoản 3 Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định:
"Địa điểm kinh doanh là nơi mà doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể."
Theo Khoản 9 Điều 1 Nghị định 108/2018/NĐ-CP:
"Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp gửi thông báo lập địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt địa điểm kinh doanh. Nội dung thông báo gồm:
a) Mã số doanh nghiệp;
b) Tên và địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp hoặc tên và địa chỉ chi nhánh (trường hợp địa điểm kinh doanh được đặt tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi chi nhánh đặt trụ sở);
c) Tên, địa chỉ địa điểm kinh doanh;
d) Lĩnh vực hoạt động của địa điểm kinh doanh;
đ) Họ, tên, nơi cư trú, số Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác quy định tại Điều 10 Nghị định này của người đứng đầu địa điểm kinh doanh;
e) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đối với trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp hoặc họ, tên, chữ ký của người đứng đầu chi nhánh đối với trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh."
Căn cứ theo quy định trên thì pháp luật cho phép địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh được đặt tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khi đó, trong thủ tục thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt địa điểm kinh doanh thì phải có họ, tên, chữ ký của người đứng đầu chi nhánh.
Như vậy, khi chi nhánh chấm dứt hoạt động đồng nghĩa với việc địa điểm kinh doanh này không có ai quản lý và chịu trách nhiệm do đó mặc nhiên nó cũng chấm dứt hoạt động theo chi nhánh. Nếu doanh nghiệp vẫn muốn giữ địa điểm kinh doanh này thì cần làm thủ tục thông báo lập địa điểm kinh doanh mới trực thuộc doanh nghiệp.