Chỉ định thầu rút gọn: Quy trình & Trường hợp áp dụng mới nhất hiện nay

Chủ đề   RSS   
  • #612012 27/05/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 474 lần


    Chỉ định thầu rút gọn: Quy trình & Trường hợp áp dụng mới nhất hiện nay

    Chỉ định thầu rút gọn là gì? Các trường hợp được áp dụng và quy trình chỉ định thầu rút gọn mới nhất hiện nay như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé

    (1) Chỉ định thầu rút gọn là gì?

    Chỉ định thầu rút gọn là sự tổng hợp của hai khái niệm “chỉ định thầu” và “rút gọn”

    “Chỉ định thầu” là một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20 Luật Đấu thầu 2023.

    Tuy nhiên, không phải gói thầu nào cũng được áp dụng hình thức chỉ định thầu, chỉ một số gói thầu mang tính chất cấp bách, cần thực hiện ngay thì mới được áp dụng hình thức chỉ định thầu. Luật Đấu thầu 2023 đã liệt kê 12 trường hợp được áp dụng hình thức chỉ định thầu tại khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu 2023.

    “Rút gọn” hay “quy trình rút gọn”, với tên gọi này có thể hiểu là các thủ tục trong việc chỉ định thầu được áp dụng theo quy trình rút gọn, việc lựa chọn nhà thầu đơn giản và thời gian thực hiện thầu ngắn.

    Như vậy, có thể hiểu chỉ định thầu rút gọn là hình thức mà chủ đầu tư chỉ định một nhà thầu thực hiện gói thầu trong tình trạng khẩn trương, cấp bách và được đơn giản, rút gọn các thủ tục để việc thực hiện gói thầu diễn ra nhanh và thuận lợi nhưng vẫn phải thực hiện một số thủ tục theo quy định pháp luật.

    (2) Trường hợp áp dụng chỉ định thầu rút gọn

    Tại khoản 2 Điều 23 Luật Đấu thầu 2023 quy định trường hợp tại điểm a, b, và c khoản 1 Điều 23 được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn.

    Bên cạnh đó tại khoản 2 Điều 43 Luật Đấu thầu 2023 cũng quy định:

    Đối với trường hợp quy định tại điểm m khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu 2023, người có thẩm quyền có thể quyết định áp dụng quy trình rút gọn bao gồm các bước sau: chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu; hoàn thiện hợp đồng; trình, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.

    Như vậy, có tổng cộng 04 trường hợp áp dụng chỉ định thầu rút gọn, bao gồm:

    1- Gói thầu cấp bách cần triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia; gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, sự cố, thảm họa hoặc sự kiện bất khả kháng khác

    2- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề

    3- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, phương tiện, xây lắp cần triển khai ngay để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện để cấp cứu người bệnh trong tình trạng cấp cứu theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện; gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường.

    4- Gói thầu thuộc dự toán mua sắm có giá gói thầu trong hạn mức từ trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng; gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công, bao gồm: gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn có giá gói thầu trong hạn mức không quá 500 triệu đồng, gói thầu phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu trong hạn mức không quá 01 tỷ đồng.

    Trường hợp cần điều chỉnh hạn mức quy định tại điểm m khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu 2023 để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

    (3) Quy trình thực hiện chỉ định thầu rút gọn mới nhất hiện nay

    Theo quy định tại Điều 78 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, quy trình chỉ định thầu rút gọn được thực hiện như sau:

    Đối với việc chỉ định thầu rút gọn theo quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu 2023:

    - Việc chỉ định thầu rút gọn đối với 03 trường hợp quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu 2023 không phải phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

    - Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu và thông tin sơ bộ về nhà thầu có khả năng thực hiện gói thầu, chủ đầu tư hoặc cơ quan trực tiếp quản lý gói thầu xác định và giao cho nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm thực hiện ngay gói thầu.

    - Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày bắt đầu thực hiện gói thầu, các bên phải hoàn thiện thủ tục chỉ định thầu bao gồm các bước sau:

    + Chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu trong đó xác định yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện, thời gian thực hiện, chất lượng công việc cần đạt được và giá trị tương ứng;

    + Hoàn thiện hợp đồng;

    + Trình, phê duyệt kết quả chỉ định thầu;

    + Ký kết hợp đồng với nhà thầu được chỉ định thầu;

    + Quản lý thực hiện hợp đồng;

    + Công khai kết quả chỉ định thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

    Việc chỉ định thầu rút gọn đối với gói thầu trong hạn mức chỉ định thầu theo quy định tại điểm m khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu 2023:

    - Phải được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu

    - Chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu:

    Bên mời thầu căn cứ vào mục tiêu, phạm vi công việc để chuẩn bị và gửi Dự thảo hợp đồng cho nhà thầu được chủ đầu tư dự kiến có khả năng thực hiện gói thầu. Nội dung dự thảo hợp đồng bao gồm các yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện, thời gian thực hiện, chất lượng công việc cần đạt được, giá trị tương ứng và các nội dung cần thiết khác;

    - Hoàn thiện hợp đồng, trình, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu:

    Trên cơ sở dự thảo hợp đồng, bên mời thầu và nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu tiến hành hoàn thiện hợp đồng làm cơ sở để trình, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng. Việc công khai kết quả chỉ định thầu theo quy định tại khoản 6 Điều 31 của Nghị định 24/2024/NĐ-CP

    - Ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng:

    Hợp đồng ký kết giữa các bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và các tài liệu liên quan khác. Việc quản lý thực hiện hợp đồng thực hiện theo quy định tại Điều 33 của Nghị định 24/2024/NĐ-CP.

    Trường hợp chủ đầu tư không áp dụng quy trình rút gọn quy định tại khoản 2 Điều 78 Nghị định 24/2024/NĐ-CP mà áp dụng quy trình thông thường thì thực hiện theo quy định tại Điều 76 hoặc Điều 77 của Nghị định 24/2024/NĐ-CP.

     
    13806 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn motchutmoingay24 vì bài viết hữu ích
    admin (03/08/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận