Chặt phá rừng trái phép có thể bị truy cứu TNHS!

Chủ đề   RSS   
  • #591018 14/09/2022

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2349)
    Số điểm: 81119
    Cảm ơn: 84
    Được cảm ơn 1701 lần
    ContentAdministrators
    SMod

    Chặt phá rừng trái phép có thể bị truy cứu TNHS!

    Trong những năm gần đây, nạn chặt phá rừng đang ngày càng nghiêm trọng, hiện các cơ quan có thẩm quyền đang vào cuộc điều tra và xử phạt nhằm bảo vệ tài nguyên rừng. Do chạy theo nhu cầu phát triển kinh tế nên ở nhiều địa phương, người dân đã tìm mọi cách để lấn rừng, phá rừng làm kinh tế. Một số thì ý thức kém, người dân thường chặt cây để lấy gỗ nhỏ làm củi sinh hoạt hoặc cây gỗ lớn để xây nhà ở. Hành vi chặt phá rừng này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và là hành vi vi phạm pháp luật. Vậy hành vi chặt phá rừng bị pháp luật xử lý như thế nào?

    Thế nào là hành vi phá rừng trái phép?

    Những hành vi tưởng chừng như vô hại vì mục đích phục vụ cho sinh hoạt, tuy nhiên, chặt phá rừng trái phép có thể hủy hoại hệ sinh thái, lâu dần làm xói mòn đất gây ra nhiều thiệt hại lớn về người và của.

    Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng phá rừng là:

    - Người dân chưa có nhận thức đúng đắn về quy hoạch đất rừng hợp lý, người dân sống ở khu vực xung quanh vẫn có thói quen lên rừng chặt cây làm nhà, bán gỗ, đốn củi một cách thiếu ý thức;

    - Quy hoạch rừng để xây dựng thuỷ điện, nhà máy, làm trang trại;

    - Bà con đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tập tục đốt rừng làm nương rẫy, nhà cửa để phục vụ cho việc di canh di cư;

    - Sự tham gia, câu kết của cán bộ kiểm lâm với lâm tặc chuyên chặt phá cây rừng.

    Theo đó, hủy hoại rừng, phá rừng là hành vi đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng làm cho rừng mất hoàn toàn giá trị hoặc giảm giá trị đáng kể căn cứ tại Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015.

    Đồng thời, Điều 20 Nghị định 35/2019/NĐ-CP quy định hành vi phá rừng là hành vi chặt, đốt, phá cây rừng, đào, bới, san ủi, nổ mìn; đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên, xả chất độc; hoặc các hành vi khác gây thiệt hại đến rừng với bất kỳ mục đích gì (trừ hành vi quy định tại Điều 13 của Nghị định 35/2019/NĐ-CP); mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

    Như vậy, với hành vi phá rừng thì đối tượng thực hiện hành vi này có thể sẽ bị khép vào tội hủy hoại rừng.

    Quy định pháp luật về hành vi chặt phá rừng trái phép

    Căn cứ theo Luật Lâm nghiệp 2017 tại Điều 9 quy định các hành vi sau đây là một trong số bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp:

    - Chặt, phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định của pháp luật.

    - Đưa chất thải, hóa chất độc, chất nổ, chất cháy, chất dễ cháy, công cụ, phương tiện vào rừng trái quy định của pháp luật; chăn, dắt, thả gia súc, vật nuôi vào phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, rừng mới trồng.

    - Săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật.

    - Hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng.

    - Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; quản lý các loài ngoại lai xâm hại; dịch vụ môi trường rừng.

    - Tàng trữ, mua bán, vận chuyển, chế biến, quảng cáo, trưng bày, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh lâm sản trái quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

    - Khai thác tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên khoáng sản, môi trường rừng trái quy định của pháp luật; xây dựng, đào, bới, đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên và các hoạt động khác trái quy định của pháp luật làm thay đổi cấu trúc cảnh quan tự nhiên của hệ sinh thái rừng.

    - Giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng trái quy định của pháp luật; cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản trái quy định của pháp luật; chuyển đổi diện tích rừng, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng trái quy định của pháp luật; phân biệt đối xử về tôn giáo, tín ngưỡng và giới trong giao rừng, cho thuê rừng.

    - Sử dụng nguyên liệu trong chế biến lâm sản trái quy định của pháp luật.

    Như vậy, hành vi chặt phá rừng không được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là hành vi trái với quy định pháp luật. Theo đó, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ vi phạm.

    chat-pha-rung-trai-phep

    Xử phạt vi phạm hành chính

    Mức phạt hành chính hành vi Phá rừng trái pháp luật được quy định tại Điều 20 Nghị định 35/2019/NĐ-CP, cụ thể như sau:

    Hành vi chặt, đốt, phá cây rừng, đào, bới, san ủi, nổ mìn; đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên, xả chất độc hoặc các hành vi khác gây thiệt hại đến rừng với bất kỳ mục đích gì (trừ hành vi quy định tại Điều 13 của Nghị định 35/2019/NĐ-CP) mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bị xử phạt như sau:

    Phạt tiền từ 3-7 triệu đồng đối với một trong các trường hợp sau:

    - Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh chưa có trữ lượng thuộc các loại rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng có diện tích dưới 3.000 m2;

    - Rừng sản xuất có diện tích dưới 500 m2;

    - Rừng phòng hộ có diện tích dưới 300 m2;

    - Rừng đặc dụng có diện tích dưới 100 m2;

    - Thực vật rừng thông thường trị giá dưới 5.000.000 đồng; thực vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá dưới 4.000.000 đồng; thực vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá dưới 3.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích.

    Mức phạt tiền cho hành vi vi phạm tại Điều 20 Nghị định 35/2019/NĐ-CP này cao nhất có thể lên tới 200 triệu đồng.

    Ngoài ra, hành vi bóc vỏ, ken cây, khoan vào thân cây, băm gốc, đổ hóa chất hủy hoại gốc, rễ cây rừng làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển cây rừng thì mỗi cây gỗ có đường kính tại vị trí 1,3 m từ 8 cm trở lên bị xâm hại xử phạt 200.000 đồng, nhưng tổng mức phạt đối với hành vi này không quá 200 triệu đồng; mỗi cây gỗ có đường kính tại vị trí 1,3 m dưới 8 cm bị xâm hại xử phạt 100.000 đồng, nhưng tổng mức phạt đối với hành vi này không quá 100 triệu đồng.

    Chủ rừng được nhà nước giao rừng, cho thuê rừng để quản lý, bảo vệ hoặc sử dụng theo quy định của pháp luật, nếu không tổ chức thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng theo quy chế quản lý rừng để xảy ra phá rừng trái pháp luật thì xử phạt như quy định tại điểm b khoản 1 hoặc điểm b khoản 2 hoặc điểm b khoản 3 hoặc điểm b khoản 4 hoặc điểm b khoản 5 hoặc điểm b khoản 6 hoặc điểm b khoản 7 hoặc điểm b khoản 8 hoặc điểm b khoản 9 hoặc điểm b khoản 10 Điều 20 Nghị định 35/2019/NĐ-CP.

    Trường hợp chặt phá rừng trái phép khi nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

    Về mặt hình sự thì có thể bị xử lý theo khoản 1 Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a khoản 63 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 về tội hủy hoại rừng, cụ thể như sau:

    Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50-500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01-05 năm:

    - Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2);

    - Rừng sản xuất có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);

    - Rừng phòng hộ có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 7.000 mét vuông (m2);

    - Rừng đặc dụng có diện tích từ 1.000 mét vuông (m2) đến dưới 3.000 mét vuông (m2);

    - Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;

    - Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 20 triệu đồng đến dưới 60 triệu đồng; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 40 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng;

    - Diện tích rừng hoặc trị giá lâm sản dưới mức quy định tại một trong các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 1 Điều 243 BLHS 2015 nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

    Mức phạt cao nhất cho tội này là 15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Bên cạnh đó, pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều 243 BLHS 2015, thì bị phạt như sau:

    - Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 243 BLHS 2015, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỉ đồng.

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g, h và i khoản 2 Điều 243 BLHS 2015, thì bị phạt tiền từ 2 -5 tỉ đồng

    - Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 243 BLHS 2015, thì bị phạt tiền từ 5-7 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

    - Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của BLHS 2015, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

    - Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01-03 năm.

     
    1188 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn xuanuyenle vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (14/09/2022)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #591048   16/09/2022

    Chặt phá rừng trái phép có thể bị truy cứu TNHS!

    Cảm ơn thông tin bài viết của bạn. Nạn chặt phá rừng ở Việt Nam hiện nay đang trở thành vấn đề hàng đầu cần được giải quyết triệt để. Hiện diện tích rừng tự nhiên đang ngày càng suy giảm. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng phá rừng do người dân chưa có nhận thức đúng đắn về quy hoạch đât rừng hợp lý, người dân sống ở khu vực xung quanh vẫn có thói quen lên rừng chặt cây làm nhà, bán gỗ, đốn củi một cách thiếu ý thức; quy hoạch rừng để xây dựng thuỷ điện, nhà máy, làm trang trại; bà con đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tập tục đốt rừng làm nương rẫy, nhà cửa để phục vụ cho việc di canh di cư. Có thể thấy, tình trạng này chiếm phần lớn tỷ lệ cây rừng bị chặt phá ở nước ta hiện nay.

     

     
    Báo quản trị |