Sang tên sổ đỏ là gì? Mức phạt hành chính chậm sang tên sổ đỏ năm 2024 là bao nhiêu? Chậm nộp hồ sơ khai thuế sang tên sổ đỏ năm 2024 bị phạt bao nhiêu? Bài viết sau sẽ giải đáp những thắc mắc nêu trên.
(1) Sang tên sổ đỏ là gì?
Thực chất, trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành không có thuật ngữ “sổ đỏ”. Đây là từ được người dân sử dụng để gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dựa theo màu sắc của Giấy chứng nhận.
Chính vì thế, sang tên sổ đỏ ở đây được hiểu từ dùng để chỉ thủ tục đăng ký biến động khi thực hiện giao dịch dân sự về đất đai như chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế,...Thay đổi quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Thông thường, kết quả của việc sang tên Giấy chứng nhận thường có 02 kết quả như sau:
- Người nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho nhà đất được cấp Giấy chứng nhận mới đứng tên mình.
- Người nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho nhà đất không được cấp Giấy chứng nhận mới.
(2) Mức phạt hành chính chậm sang tên sổ đỏ năm 2024 là bao nhiêu?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 133 Luật Đất đai 2024 thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có biến động người sử dụng đất phải đăng ký biến động tại cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp thi hành án thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày bàn giao tài sản thi hành án, tài sản bán đấu giá. Đối với trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Trường hợp người sử dụng đất vi phạm quy định nêu trên thì sẽ bị xử phạt theo Điều 17 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, cụ thể:
- Đối với thửa đất đang sử dụng mà chưa đăng ký tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
+ Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 đến 01 triệu đồng nếu trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Nghị định 91/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (05/01/2020) mà không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu.
+ Phạt tiền từ 01 đến 02 triệu đồng đối với trường hợp quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày Nghị định 91/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (05/01/2020) mà không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu.
- Đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
+ Phạt tiền từ 01 đến 03 triệu đồng đối với trường hợp trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định mà không thực hiện đăng ký biến động.
+ Phạt tiền từ 02 đến 05 triệu đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định mà không thực hiện đăng ký biến động.
Trường hợp đất tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với từng trường hợp tương ứng.
Ngoài những mức phạt hành chính như đã nêu trên, người sử dụng đất cũng buộc phải thực hiện việc đăng ký biến động đất đai theo quy định.
Như vậy, mức phạt đối với hành vi chậm đăng ký biến động đất đai lần đầu có thể lên đến 02 triệu đồng; chậm sang tên sổ đỏ đối với đất đã có sổ đỏ lên tới 10 triệu đồng đối với đất ở khu vực đô thị. Ngoài ra, còn phải thực hiện đăng ký biến động theo quy định.
(3) Mức phạt chậm nộp hồ sơ khai thuế sang tên sổ đỏ năm 2024
Khi thực hiện sang tên sổ đỏ, người sử dụng đất còn buộc phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, bao gồm thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ
Căn cứ theo Khoản 5 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019 có quy định thì chậm nhất là 10 ngày kể từ khi phát sinh nghĩa vụ thuế, người sử dụng đất phải tiến hành nộp hồ sơ khai thuế. Tức trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày công chứng hợp đồng chuyển nhượng, mua bán nhà đất, người sử dụng đất bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký sang tên và nộp hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 10 ngày kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.
Đối với trường hợp chậm nộp hồ sơ khai thuế, người sử dụng đất sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP như sau:
- Trường hợp quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ: phạt cảnh cáo.
- Trường hợp quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày: phạt tiền từ 02 đến 05 triệu đồng.
- Trường hợp quá thời hạn từ 31 ngày đến 60 ngày: Phạt tiền từ 05 đến 08 triệu đồng.
- Trường hợp quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày hoặc từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp hoặc không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp hoặc không nộp các phụ lục theo quy định thì bị phạt tiền từ 08 đến 15 triệu đồng.
Riêng trường hợp quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại Khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế 2019.
Trường hợp số tiền nộp phạt nêu trên lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền từ 05 đến 08 triệu đồng.
Ngoài ra, trường hợp người vi phạm còn buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm. Riêng đối với trường hợp tại điểm c, d khoản 4 Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì bị buộc phải nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế.