Chậm nộp phạt vi phạm hành chính quá 01 năm: Hậu quả ra sao?

Chủ đề   RSS   
  • #612272 03/06/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 458 lần


    Chậm nộp phạt vi phạm hành chính quá 01 năm: Hậu quả ra sao?

    Việc chậm nộp phạt vi phạm hành chính không chỉ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân mà còn tiềm ẩn nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nếu chậm nộp phạt quá 2 năm thì hậu quả ra sao?

    (1) Chậm nộp phạt vi phạm hành chính quá 2 năm thì hậu quả ra sao?

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, thời hạn thi hành quyết định là 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt; trường hợp quyết định xử phạt có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

    Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 73 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 cũng có quy định:

    Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

    Như vậy, thời hạn cho người vi phạm hành chính thực hiện việc nộp phạt theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 10 ngày, nếu quá số ngày này mà người vi phạm chưa nộp phạt thì những ngày sau đó sẽ tính là số ngày chậm nộp phạt.

    Theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 18/2023/TT-BTC quy định như sau:

    Quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều 68 và khoản 1 Điều 73 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

    Lưu ý, số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tiền phạt đến trước ngày cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước.

    Như vậy, hậu quả của việc chậm nộp phạt vi phạm hành chính quá 01 năm kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính là phải đóng tiền chậm nộp phạt (tiền lãi) cho số ngày chậm nộp phạt. Cá nhân, tổ chức vi phạm với mức nộp thêm là 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

    (2) Cách tính ngày chậm nộp phạt như thế nào?

    Theo khoản 4 Điều 5 Thông tư 18/2023/TT-BTC quy định cách xác định thời gian để tính tiền chậm nộp phạt trong từng trường hợp như sau:

    - Trường hợp quyết định xử phạt được giao trực tiếp thì ngày tính tiền chậm nộp phạt là sau 10 ngày hoặc sau thời hạn thi hành ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính kể từ ngày nhận quyết định xử phạt

    - Trường hợp quyết định xử phạt được gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm thì ngày tính tiền chậm nộp phạt là sau 10 ngày hoặc sau thời hạn thi hành ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính

    - Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt không có xác nhận ngày nhận quyết định xử phạt, không xuất trình được ngày quyết định xử phạt được phát hợp lệ, nhưng không thuộc trường hợp cố tình không nhận quyết định xử phạt thì ngày tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt tính từ ngày ra quyết định xử phạt là sau 12 ngày (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ) đối với trường hợp quyết định xử phạt ghi thời hạn là 10 ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt hoặc từ ngày thứ ba sau thời hạn thi hành ghi trong quyết định xử phạt đối với trường hợp quyết định xử phạt ghi thời hạn nhiều hơn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ).

    - Trường hợp người nộp phạt chứng minh được ngày nhận quyết định xử phạt và việc chứng minh là có cơ sở thì cơ quan thu tiền phạt tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt sau 10 ngày hoặc sau thời hạn thi hành ghi trong quyết định xử phạt kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt mà người nộp phạt đã chứng minh;

    - Trường hợp cố tình không nhận quyết định xử phạt thì thực hiện theo quy định tại Điều 70 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt, cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế thông báo cho Kho bạc Nhà nước nơi thu tiền phạt về thời điểm được coi là giao quyết định xử phạt để Kho bạc Nhà nước tính tiền chậm nộp phạt.

    - Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình không nộp tiền chậm nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền thu tiền phạt thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính trên quyết định xử phạt; đồng thời, vẫn tính tiền chậm nộp phạt và ghi rõ trên chứng từ thu, nộp tiền phạt số tiền chậm nộp tính đến trước ngày cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nộp tiền.

    Người nộp phạt căn cứ theo quy định về từng trường hợp trên để tính ngày chậm nộp phạt của mình khi thực hiện việc đóng tiền phạt.

    (3) Các trường hợp không tính tiền chậm nộp phạt

    Khi chậm đóng tiền phạt hành chính thì cá nhân, tổ chức sẽ phải đóng tiền chậm nộp, tuy nhiên, có các trường hợp sau đây sẽ không bị tính tiền chậm nộp phạt:

    - Trong thời hạn được hoãn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

    - Trong thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn phần còn lại hoặc cho phép nộp tiền phạt nhiều lần.

    (căn cứ khoản 2 Điều 5 Thông tư 18/2023/TT-BTC)

    Khi thuộc vào 02 trường hợp này, cá nhân, tổ chức chậm nộp phạt sẽ không bị tính tiền chậm nộp.

    Việc chấp hành đúng thời hạn nộp phạt là vô cùng quan trọng.Vì vậy, để tránh những hậu quả do việc chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính cần chấp hành đúng thời hạn nộp phạt theo quy định của pháp luật.

    Ngoài ra, cần lưu ý rằng, quy định về thời hạn nộp phạt vi phạm hành chính có thể thay đổi theo từng thời điểm. Do đó, cá nhân, tổ chức vi phạm cần thường xuyên cập nhật thông tin mới nhất để đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

     
    2761 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn motchutmoingay24 vì bài viết hữu ích
    admin (30/08/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận