* Cơ sở pháp lý: Khoản 2 Điều 606
BLDS 2005 quy định:
“2. Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 621 của Bộ luật này.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình”.
Theo đó, cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên gây ra khi:
- Thứ nhất, có quan hệ cha mẹ với người gây thiệt hại: Theo quy định nêu trên, trách nhiệm của cha mẹ chỉ phát sinh đối với thiệt hại do con gây ra. Điều đó có nghĩa là giữa những người gây thiệt hại và người chúng ta muốn quy trách nhiệm phải có quan hệ cha mẹ con. Ở đây, không có sự phân biệt giữa quan hệ cha mẹ đẻ và quan hệ cha mẹ nuôi. Cha mẹ ở đây nên hiểu là cha mẹ có quan hệ gia đình (được pháp luật thừa nhận).
- Thứ hai, đáp ứng được điều kiện về tuổi và tình trạng tài sản của người con gây thiệt hại:
+ Người gây thiệt hại là “người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi”: Trường hợp này cha mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Nếu tài sản của cha mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên có tài sản riêng thì lấy tài sản của con để bồi thường vào phần còn thiếu;
+ Người gây thiệt hại là người “từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi”: Trường hợp này người gây thiệt hại phải bồi thường bằng tài sản của mình, nếu tài sản không đủ để bồi thường thì cha mẹ phải bồi thường tài sản còn thiếu.