Hình ảnh những đứa trẻ ăn xin, đeo bám khách hàng tại Sapa không phải là điều hiếm thấy. Đáng buồn thay, những đứa trẻ ấy không biết bản thân đang bị cha mẹ lợi dụng kiếm tiền. Vậy như những trường hợp trên, cha mẹ lợi dụng con đi ăn xin sẽ bị xử lý như thế nào?
1. Vấn nạn chăn dắt, bắt con đi ăn xin ở Sapa?
Sapa từ lâu đã nổi danh khắp cả nước với phong cảnh đẹp, ẩm thực phong phú, bản sắc dân tộc độc đáo. Nhờ thế, Sapa đón chào hàng ngàn du khách mỗi ngày đổ về du lịch.
Cũng chính vì vậy mà tại đây xảy ra tình trạng có những đứa bé bị bắt đi ăn xin, bán hàng, nhảy múa để kiếm tiền từ khách du lịch.
Hình ảnh trên là hình ảnh thường thấy ở Sapa, đứng đằng sau những đứa bé ấy là những người lớn luôn “dõi theo” bọn trẻ, sẵn sàng “cầm giúp” tiền cho chúng. Đau lòng hơn là những cá nhân ấy, lại chính là cha mẹ của chúng. Vào những đêm tối của Sapa như thế, ngoài trời rất lạnh, nhưng có lẽ vẫn không lạnh lẽo bằng cách mà họ đối xử với những đứa con ruột thịt của mình.
2. Các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em.
Đầu tiên, ta cần khẳng định, hành vi bắt trẻ em ăn xin, bán hàng, nhảy múa để “chèo kéo” khách du lịch như thế là đang vi phạm pháp luật.
Căn cứ Điều 6 Luật trẻ em 2016, pháp luật nghiêm cấm các hành vi sau:
- Tước đoạt quyền sống của trẻ em.
- Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
- Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em.
- Tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn.
- Sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
- Cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình.
- Không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.
- Kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em.
- Bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em.
- Cung cấp dịch vụ Internet và các dịch vụ khác; sản xuất, sao chép, lưu hành, vận hành, phát tán, sở hữu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh xuất bản phẩm, đồ chơi, trò chơi và những sản phẩm khác phục vụ đối tượng trẻ em nhưng có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em.
- Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.
- Lợi dụng việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em để xâm hại trẻ em; lợi dụng chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân dành cho trẻ em để trục lợi.
- Đặt cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, độc hại, có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ gần cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá, Điểm vui chơi, giải trí của trẻ em hoặc đặt cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, Điểm vui chơi, giải trí của trẻ em gần cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, độc hại, có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ.
- Lấn chiếm, sử dụng cơ sở hạ tầng dành cho việc học tập, vui chơi, giải trí và hoạt động dịch vụ bảo vệ trẻ em sai mục đích hoặc trái quy định của pháp luật.
- Từ chối, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời việc hỗ trợ, can thiệp, điều trị trẻ em có nguy cơ hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm, bị tổn hại thân thể, danh dự, nhân phẩm.
Dựa vào quy định trên, ta thấy rõ, pháp luật nghiêm cấm việc lạm dụng, bóc lột trẻ em, đó là còn chưa kể đến những hệ quả như trẻ em bị cảm do làm việc quá sức dưới thời tiết lạnh, bị bắt bỏ học để đi ăn xin,...
3. Cha mẹ lợi dụng con đi ăn xin sẽ bị xử lý như thế nào?
Trước hết, ta xem xét hành vi lợi dụng trẻ em đi ăn xin.
Căn cứ Điều 23 Chương II Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, vi phạm quy định về cấm lạm dụng, bóc lột trẻ em, tổ chức, hỗ trợ, xúi giục:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Bắt trẻ em làm công việc gia đình quá sức, quá thời gian, ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi, giải trí, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em;
+ Tổ chức, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn;
+ Cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn.
Trường hợp người bóc lột là cha mẹ lợi dụng con đi ăn xin thì pháp luật có các quy định xử lý sau:
Căn cứ khoản 3 Điều 58 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, quy định về bạo lực kinh tế:
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống.
Ngoài ra, căn cứ Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, cha mẹ sẽ bị hạn chế quyền đối với con nếu:
+Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
+ Phá tán tài sản của con;
+ Có lối sống đồi trụy;
+ Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Như vậy có thể thấy, hành vi cha mẹ lợi dụng con đi ăn xin là vi phạm pháp luật và có thể bị pháp luật trừng trị từ phạt tiền đến hạn chế quyền nuôi con. Thậm chí, nếu trường hợp thực tế có mức độ nguy hiểm, họ còn phải đối mặt với án hình sự.