Cha mẹ có bị buộc phải trả nợ thay cho con đã thành niên?

Chủ đề   RSS   
  • #612591 10/06/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 474 lần


    Cha mẹ có bị buộc phải trả nợ thay cho con đã thành niên?

    Câu hỏi "Cha mẹ có bị buộc phải trả nợ thay cho con?" luôn thu hút sự quan tâm bởi nó liên quan đến vấn đề đạo đức, trách nhiệm và pháp luật

    (1) Cha mẹ có bị buộc phải trả nợ thay cho con đã thành niên?

    Việc cha mẹ hỗ trợ con cái về mặt tài chính là điều dễ hiểu, nhưng liệu họ có bị bắt buộc gánh vác khoản nợ do con gây ra?

    Theo quy định tại Điều 463 Bộ Luật Dân sự 2015, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa bên cho vay và bên vay, do đó, đây có thể được coi là một giao dịch dân sự.

    Bên cạnh đó, Điều 20 Bộ Luật Dân sự 2015 cũng quy định, người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên và người thành niên là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

    Và năng lực hành vi dân sự của cá nhân chính là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.

    Dựa trên các quy định trên có thể hiểu, con từ đủ 18 tuổi trở lên thì phải tự chịu trách nhiệm hoàn toàn với các hành vi do mình xác lập, có trách nhiệm phải trả nợ khoản vay của mình, cha mẹ không có nghĩa vụ và không bị buộc phải trả nợ thay cho con đã thành niên.

    Tuy nhiên, tục ngữ có câu “con dại cái mang”, theo quy định tại Điều 74 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: Cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây ra theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015

    Theo đó, căn cứ Điều 586 Bộ Luật Dân sự 2015, nghĩa vụ bồi thường được quy định như sau:

    Đối với người chưa đủ 15 tuổi:

    - Cha mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.

    - Nếu cha mẹ không đủ khả năng bồi thường, con có tài sản riêng thì sẽ dùng tài sản riêng để bồi thường phần còn thiếu.

    Đối với người từ 15 đến dưới 18 tuổi:

    - Bồi thường bằng tài sản của mình.

    - Nếu tài sản không đủ để bồi thường, cha mẹ sẽ phải bồi thường phần còn thiếu.

    Đối với người chưa thành niên, mất năng lực hành vi, nhận thức khó khăn:

    - Người giám hộ dùng tài sản của người được giám hộ để thực hiện việc bồi thường, nếu không đủ, người giám hộ bồi thường bằng tài sản của mình.

    - Người giám hộ chứng minh không có lỗi sẽ không phải bồi thường.

    Như vậy, đúng theo câu tục ngữ “con dại cái mang”, cha mẹ sẽ ít nhiều có trách nhiệm và bị buộc bồi thường nếu như con mình xâm phạm đến tài sản của người khác (vay tiền không trả) khi con chưa đủ tuổi thành niên, hoặc đã đủ tuổi thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự, hoặc có khó khăn trong nhận thức.

    Trường hợp con đã từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự thì phải tự chịu trách nhiệm với mọi giao dịch dân sự mà bản thân là một chủ thể trong đó, cha mẹ không có trách nhiệm phải trả nợ thay cho con trong trường hợp này.

    (2) Kết luận

    Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam, cha mẹ không có nghĩa vụ pháp lý phải trả nợ thay cho con đã thành niên. Việc cha mẹ có hỗ trợ con thanh toán khoản nợ hay không phụ thuộc vào thỏa thuận và trách nhiệm tự nguyện của họ.

    Tuy nhiên, cha mẹ nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định trả nợ thay con, bởi điều này có thể ảnh hưởng đến tài chính và cuộc sống của bản thân mình.

    Hơn nữa, cha mẹ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục con cái về ý thức sử dụng tiền bạc, trách nhiệm tài chính và hậu quả của việc vay nợ. Qua đó, giúp con hình thành thói quen quản lý tài chính hợp lý, tránh mắc phải những khoản nợ không đáng có trong tương lai.

    Kết lại, việc cha mẹ có trả nợ thay con hay không là một quyết định phức tạp, cần được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên nhiều yếu tố. Cha mẹ nên có trách nhiệm giáo dục con cái về tài chính để con có ý thức tự lập và tự chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình.

     
    415 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn motchutmoingay24 vì bài viết hữu ích
    admin (14/08/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận