Có được di dời cây xanh cản lối đi không? Muốn di dời thì phải làm như thế nào? Ô đất trồng cây xanh đường phố được quy định như ra sao? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
(1) Có được di dời cây xanh cản lối đi không?
Theo Điểm 3 Mục II Phần II Thông tư 20/2005/TT-BXD có quy định về trồng cây xanh đường phố như sau:
“d) Khoảng cách giữa các cây trồng được quy định tuỳ thuộc vào việc phân loại cây (tham khảo Phụ lục 1) hoặc theo từng vị trí cụ thể của quy hoạch trên khu vực, đoạn đường. Chú ý trồng cây ở khoảng trước tường ngăn giữa hai nhà phố, tránh trồng giữa cổng hoặc trước chính diện nhà dân đối với những nơi có chiều rộng hè phố dưới 5m.”
Theo đó, trường hợp nếu cây xanh được trồng gây cản trở trong sinh hoạt, khó khăn cho đi lại, mua bán của người dân thì có thể yêu cầu di dời.
(2) Cây xanh cản lối đi, muốn di dời thì phải làm như thế nào?
Trường hợp cây xanh gây cản trở, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt như đã nêu tại mục (1) thì người dân có thể yêu cầu di dời theo quy định tại Điều 14 Nghị định 64/2010/NĐ-CP như sau:
- Đơn đề nghị cấp phép di chuyển/chặt cây xanh.
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/09/don-de-nghi-cap-phep-di-doi-cay-xanh.doc Mẫu Đơn đề nghị cấp phép di chuyển/chặt cây xanh
Trong đó, nêu rõ vị trí chặt hạ, dịch chuyển; kích thước, loại cây và lý do cần chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị.
- Sơ đồ vị trí cây xanh đô thị cần chặt hạ, dịch chuyển.
- Ảnh chụp hiện trạng cây xanh đô thị cần chặt hạ, dịch chuyển.
Sau khi đã chuẩn bị 01 bộ hồ sơ có đầy đủ những tài liệu như đã nêu trên, người dân nộp tại Sở Xây dựng nơi cư trú. Theo đó, thời hạn giải quyết cho việc cấp giấy phép dịch chuyển sẽ trong thời hạn tối đa không quá 15 ngày làm việc tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Đối với việc di dời/chặt hạ thì sẽ được thực hiện trong vòng không quá 30 ngày tính từ ngày được cấp giấy phép.
Như vậy, trường hợp có cây xanh trồng chính diện trước nhà người dân gây cản trở, bất tiện trong việc sinh hoạt thì có thể làm đơn yêu cầu di dời/chặt hạ và thực hiện theo trình tự như đã nêu trên để có thể được xem xét và giải quyết.
Tuy nhiên, tại đây cũng cần lưu ý, người dân có nhu cầu chính đáng về chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị ngoài việc tuân thủ các quy định tại Điều 14 Nghị định 64/2010/NĐ-CP còn phải có trách nhiệm đền bù giá trị cây, chịu mọi chi phí cho việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị.
(3) Ô đất trồng cây xanh đường phố được quy định như thế nào?
Theo Điểm 4 Mục II Phần II Thông tư 20/2005/TT-BXD có quy định về Ô đất trồng cây xanh đường phố như sau:
- Kích thước và loại hình ô đất trồng cây được sử dụng thống nhất đối với cùng một loại cây trên cùng một tuyến phố, trên từng cung hay đoạn đường.
- Xung quanh ô đất trồng cây trên đường phố hoặc khu vực sở hữu công cộng (có hè đường) phải được xây bó vỉa có cao độ cùng với cao độ của hè phố nhằm giữ đất tránh làm bẩn hè phố hoặc các hình thức thiết kế khác để bảo vệ cây và tạo hình thức trang trí.
Bên cạnh đó, tại quy định này còn đề cập đến việc tận dụng các ô đất trồng cây bố trí trồng cỏ, cây bụi, hoa tạo thành khóm xung quanh gốc cây hoặc thành dải xanh để tăng vẻ đẹp cảnh quan đô thị.