Trường hợp cây đổ đè lên xe do mưa bão thì chủ xe ô tô có được đền bù bảo hiểm không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
(1) Cây đổ đè lên xe do mưa bão thì chủ xe ô tô có được đền bù bảo hiểm không?
Căn cứ khoản 3 Điều 4 Nghị định 67/2023/NĐ-CP có quy định như sau:
Ngoài việc tham gia bảo hiểm bắt buộc theo điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu hoặc giới hạn trách nhiệm bảo hiểm quy định tại Nghị định Nghị định 67/2023/NĐ-CP, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm về mở rộng điều kiện bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tăng thêm và mức phí bảo hiểm bổ sung tương ứng phù hợp với quy định pháp luật. Trong trường hợp này, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm tách riêng phần bảo hiểm bắt buộc trong hợp đồng bảo hiểm.
Đồng thời, tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 67/2023/NĐ-CP cũng có nêu rõ, phạm vi của bảo hiểm bắt buộc bao gồm:
- Thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng và tài sản đối với người thứ ba do xe cơ giới tham gia giao thông, hoạt động gây ra.
- Thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của hành khách trên chiếc xe đó do xe cơ giới tham gia giao thông, hoạt động gây ra.
Đối với bảo hiểm tự nguyện, hiện nay có các loại như sau:
- Bảo hiểm tai nạn lái xe và người ngồi trên xe.
- Bảo hiểm tự nguyện vật chất, bảo hiểm trộm cướp xe.
- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe đối với hàng hóa vận chuyển trên xe ô tô,...
Còn về bảo hiểm vật chất, gói bảo hiểm này thường có phạm vi bồi thường cho chủ xe những thiệt hại vật chất xe xảy ra do:
- Những tai nạn bất ngờ, ngoài sự kiểm soát của chủ xe, lái xe trong những trường hợp: Đâm va, lật, đổ, rơi; chìm; hoả hoạn, cháy, nổ,...
- Những tai họa bất khả kháng do thiên nhiên: Bão, lũ lụt, sụt lở, sét đánh,...
- Mất cắp, mất cướp toàn bộ xe.
Theo đó, có thể thấy, đối với trường hợp chủ xe có mua gói bảo hiểm vật chất xe, khi xe bị hư hỏng do mưa bão làm đổ cây xanh thì sẽ được bảo hiểm chi trả chi phí theo quy tắc bảo hiểm.
Có nghĩa là, đối với trường hợp cây đổ đè ô tô là những tai họa bất khả kháng do thiên tai như mưa bão thì nếu mua bảo hiểm vật chất xe ô tô, người chủ xe sẽ được bảo hiểm bồi thường đúng với số tiền mà chủ xe đã chi trả để sửa chữa. Tuy nhiên, trường hợp nếu ô tô bị cây đè khi đỗ trên đoạn đường cấm đỗ thì dù đã mua bảo hiểm vật chất xe ô tô cũng sẽ bị đơn vị bảo hiểm từ chối bồi thường.
Còn nếu chủ xe chỉ tham gia loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc thì khi phương tiện đó bị hư hỏng, thiệt hại sẽ không được công ty bảo hiểm bồi thường.
Lưu ý: Bảo hiểm vật chất xe là gói bảo hiểm tự nguyện cho nên mỗi công ty bảo hiểm sẽ có một quy tắc bảo hiểm vật chất riêng biệt, được ban hành kèm theo quyết định của người có thẩm quyền (người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của công ty). Mức phí gói này sẽ do bên công ty bảo hiểm tính toán, thương lượng với chủ xe.
(2) Những điểm cần lưu ý khi lái xe mùa mưa bão
Bên cạnh những nguyên tắc an toàn thông thường, có những điểm mà người chủ xe cần lưu ý khi điều khiển ô tô trong điều kiện thời tiết mưa bão, cụ thể như sau:
- Đi chậm, quan sát kỹ đường đi, duy trì khoảng cách thích hợp đối với các xe đi trước, thường là gấp đôi so với khi đường nắng ráo, để có thể kịp thời xử lý tình huống. Không nên chạy song song với bất kỳ ô tô nào khác.
- Cố gắng tránh xa các xe siêu trường, siêu trọng (các loại xe này khi di chuyển thường tạo sóng nước) làm giảm tầm nhìn và xe bị trượt nước.
- Bật đèn cốt hoặc đèn sương mù để quan sát đường tốt hơn, cũng là để các tài xế khác nhìn thấy rõ xe của mình. Tuyệt đối không bật đèn pha khi có xe chạy ở hướng đối diện vì sẽ khiến tài xế thêm lóa mắt trong điều kiện trời mưa vốn đã làm giảm khả năng quan sát.
- Cố gắng chạy xe ở giữa đường, vì hai bên thường trũng, đọng nước, dễ xảy ra hiện tượng trượt nước.
- Khi đi qua chỗ ngập nước, cố gắng giữ tốc độ động cơ (vòng tua máy) ở mức cao nhất có thể, để tránh nước lọt vào ống xả, khiến xe chết máy. Với xe số sàn, nên để số 1; còn với xe số tự động có các số D1, D2…, hãy chuyển về D1.
- Không cố vượt qua vùng nước ngập nửa lốp xe. Ô tô gầm cao có thể đi qua những chỗ ngập như vậy, nhưng cũng cần chú ý không để nước tràn qua mũi xe.
- Khi đi qua khu vực ngập nước, cố gắng tránh thời điểm có xe đi ngược chiều, để tránh sóng nước, cũng như nguy cơ nước tràn vào họng hút và khoang máy.
- Không đi với tốc độ nhanh qua vũng nước hoặc chỗ ngập để tránh nước sục vào họng gió hoặc tạo sóng nước, gây nguy hiểm cho các xe khác.
- Khi lỡ đi vào đường ngập nước và ô tô đột ngột chết máy, tuyệt đối không khởi động lại động cơ, để tránh nguy cơ cong tay biên, vỡ thành máy...
- Khi lái xe vượt qua vùng ngập nước, nên tắt hết các thiết bị phụ tải không cần thiết cho sự vận hành của xe, như điều hòa, âm thanh… để giảm tải cho động cơ.
- Khi xe chết máy, nếu quan sát thấy mực nước cao hơn mép sàn ô tô thì tuyệt đối không mở cửa, để tránh việc nước tràn vào bên trong xe, làm hỏng các hệ thống điện tử, các chất liệu nội thất nỉ, da, gỗ...
- Luôn chuẩn bị sẵn một vài số điện thoại cứu hộ giao thông ở khu vực mình sắp đi qua để dùng tới khi cần thiết.
Theo đó, khi điều khiển ô tô trong điều kiện thời tiết mưa bão như hiện nay, người dân cần lưu ý những điểm như đã nêu trên.