Cập nhật: Dự thảo Nghị quyết MỚI NHẤT hướng dẫn các tội hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô, giao cấu

Chủ đề   RSS   
  • #525484 12/08/2019

    TuyenBig
    Top 100
    Female
    Trung cấp

    Bắc Kạn , Việt Nam
    Tham gia:27/03/2018
    Tổng số bài viết (741)
    Số điểm: 27039
    Cảm ơn: 24
    Được cảm ơn 952 lần


    Cập nhật: Dự thảo Nghị quyết MỚI NHẤT hướng dẫn các tội hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô, giao cấu

    Vừa qua HĐTP TANDTC đưa ra dự thảo 04 Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 141 về tội hiếp dâm, Điều 142 về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, Điều 143 về tội cưỡng dâm, Điều 144 về tội cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, Điều 145 về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, Điều 146 về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi và Điều 147 về tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm của Bộ luật hình sự 2015.

    Bô sung phần giải thích từ ngữ:

    1. Xâm hại tình dục trẻ em là hoạt động tình dục xâm hại trẻ em hoặc dụ dỗ, tổ chức cho trẻ em tham gia hoạt động tình dục. Độ tuổi xác định trẻ em là dưới 16 tuổi. Hoạt động xâm hại tình dục trẻ em được thực hiện do đồng thuận với trẻ em dưới 13 tuổi; do cưỡng bức, do hứa hẹn các lợi ích vật chất (tiền, tài sản) hay các lợi ích phi vật chất (ví dụ: cho điểm cao, đánh giá tốt, tạo cơ hội tiến bộ…).

    2. Bóc lột tình dục trẻ em là ép buộc, môi giới cho trẻ em bán dâm, làm đối tượng để sản xuất ấn phẩm khiêu dâm, trình diễn khiêu dâm hoặc làm nô lệ tình dục.

    3. Quan hệ tình dục bao gồm hành vi giao cấu và hành vi quan hệ tình dục khác.

    4Bộ phận sinh dục bao gồm bộ phận sinh dục nam và bộ phận sinh dục nữ. Bộ phận sinh dục nam là dương vật; bộ phận sinh dục nữ bao gồm âm hộ, âm đạo.

    5Bộ phận nhạy cảm bao gồm bìu, mu, hậu môn, háng, đùi, mông, ngực.

    6Bộ phận khác trên cơ thể là bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể không phải là bộ phận sinh dục và bộ phận nhạy cảm.

    7Dụng cụ tình dục là những dụng cụ được sản xuất chuyên dùng cho hoạt động tình dục (ví dụ: dương vật giả, âm hộ giả, âm đạo giả...).

    8Dụng cụ khác là những đồ vật không phải là dụng cụ tình dục nhưng có thể sử dụng cho hoạt động tình dục.

    * Về một số tình tiết định tội

    1. Giao cấu quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Hình sự là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào.

    Giao cấu với trẻ em dưới 10 tuổi được xác định là đã hoàn thành không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập.

    2. Hành vi quan hệ tình dục khác quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Hình sự là một trong các hành vi sau đây:

    a) Hành vi quan hệ tình dục của người cùng giới tính;

    b) Hành vi quan hệ tình dục của người khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục tiếp xúc về thể chất với cơ thể trẻ em nhưng không có mục đích giao cấu;

    c) Hành vi quan hệ tình dục của những người khác giới tính thuộc một trong các trường hợp: sử dụng bộ phận sinh dục xâm nhập vào bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể; sử dụng bộ phận khác trên cơ thể xâm nhập vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm; sử dụng dụng cụ tình dục, dụng cụ khác xâm nhập vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể.

    3. Dâm ô quy định tại khoản 1 Điều 146 của Bộ luật Hình sự là một trong các hành vi sau đây:

    a) Dùng bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác tiếp xúc về thể chất (trực tiếp hay gián tiếp qua áo quần) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của trẻ em (vuốt ve, sờ mó, bóp, cấu véo, hôn, liếm) có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục;

    b) Sử dụng dụng cụ tình dục, dụng cụ khác tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục.

    4. Trình diễn khiêu dâm quy định tại khoản 1 Điều 147 của Bộ luật Hình sự là hành vi dùng cử chỉ, hành động, lời nói, chữ viết, ký hiệu, hình ảnh, âm thanh nhằm kích thích tình dục; phô bày bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, khỏa thân, thoát y hoặc thực hiện các động tác mô phỏng hoạt động tình dục (bao gồm giao cấu, thủ dâm và các hành vi tình dục khác) dưới mọi hình thức.

    5. Trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm quy định tại khoản 1 Điều 147 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người dưới 16 tuổi trực tiếp chứng kiến người khác trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức.

    6. Các hình thức biểu hiện trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm quy định tại khoản 1 Điều 147 của Bộ luật Hình sự:

    a) Trực tiếp trình diễn khiêu dâm trước mặt người dưới 16 tuổi hoặc dụ dỗ người dưới 16 tuổi trực tiếp trình diễn khiêu dâm;

    b) Chiếu trực tiếp cảnh trình diễn khiêu dâm có sự tham gia của người dưới 16 tuổi;

    c) Dụ dỗ, lôi kéo người dưới 16 tuổi tự quay lại cảnh trình diễn khiêu dâm của mình sau đó phát tán;

    d) Dụ dỗ người dưới 16 khỏa thân thông qua nền tảng công nghệ số;

    đ) Phát tán ra công chúng các ấn phẩm đồi trụy có sử dụng trẻ em hoặc hình ảnh mô phỏng trẻ em (hoạt hình, nhân vật được tạo ra bằng công nghệ số);

    e) Mô tả các bộ phận nhạy cảm của người dưới 16;

    g) Các hình thức khác.

    7Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân quy định tại khoản 1 Điều 141 và khoản 1 Điều 142 của Bộ luật Hình sự là việc người phạm tội lợi dụng tình trạng người bị hại lâm vào một trong những hoàn cảnh sau đây để quan hệ tình dục:

    a) Người bị hại không thể chống cự được (ví dụ: người bị hại bị tai nạn, bị ngất, bị trói, bị khuyết tật... dẫn đến không thể chống cự được);

    b) Người bị hại bị hạn chế hoặc bị mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi (ví dụ: người bị hại bị say rượu, bia, thuốc ngủ, thuốc gây mê, ma túy, thuốc an thần, thuốc kích thích, các chất kích thích khác, bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh khác... dẫn đến hạn chế hoặc mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi).

    8Thủ đoạn khác quy định tại khoản 1 Điều 141 và khoản 1 Điều 142 của Bộ luật Hình sự bao gồm các thủ đoạn như đầu độc nạn nhân; cho nạn nhân uống thuốc ngủ, thuốc gây mê, uống rượu, bia hoặc các chất kích thích mạnh khác làm nạn nhân lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.

    9Trái với ý muốn của nạn nhân quy định tại khoản 1 Điều 141 và điểm a khoản 1 Điều 142 của Bộ luật Hình sự là người bị hại không đồng ý, phó mặc, miễn cưỡng hoặc không có khả năng biểu lộ ý chí của mình đối với hành vi quan hệ tình dục cố ý của người phạm tội.

    10. Người lệ thuộc quy định tại khoản 1 Điều 143 và đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình quy định tại khoản 1 Điều 144 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người bị hại bị lệ thuộc vào người phạm tội về vật chất (ví dụ: người bị hại được người phạm tội nuôi dưỡng, chu cấp chi phí sinh hoạt hàng ngày…) hoặc lệ thuộc về công việc, giáo dục, tín ngưỡng (ví dụ: người bị hại là người lao động làm thuê cho người phạm tội hoặc người bị hại là học sinh trong lớp do người phạm tội là giáo viên chủ nhiệm...).

    11. Người đang ở trong tình trạng quẫn bách quy định tại khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người bị hại đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, bức bách nhưng không tự mình khắc phục được mà cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ của người khác (ví dụ: không có tiền chữa bệnh hiểm nghèo; không có tiền để trả khoản nợ đã đến hạn để cứu con mình đang bị bắt cóc; là học sinh bị lưu ban; không được đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài...).

    * Về một số tình tiết định khung

    1. Có tính chất loạn luân quy định tại điểm e khoản 2 Điều 141, điểm a khoản 2 Điều 142, điểm d khoản 2 Điều 143 và điểm a khoản 2 Điều 144 của Bộ luật Hình sự là một trong các trường hợp sau đây:

    a) Phạm tội đối với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha;

    b) Phạm tội đối với cô, dì, chú, bác, cháu ruột;

    c) Phạm tội đối với con nuôi, bố nuôi, mẹ nuôi;

    d) Phạm tội đối với con riêng của vợ, con riêng của chồng, bố dượng, mẹ kế;

    đ) Phạm tội đối với con dâu, bố chồng, mẹ vợ, con rể.

    2. Phạm tội 02 lần trở lên quy định tại điểm c khoản 2 Điều 141, điểm đ khoản 2 Điều 142, điểm b khoản 2 Điều 143, điểm d khoản 2 Điều 144, điểm a khoản 2 Điều 145, điểm b khoản 2 Điều 146 và điểm b khoản 2 Điều 147 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội từ 02 lần trở lên nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

    3. Nhiều người hiếp một người quy định tại điểm c khoản 2 Điều 141 và điểm b khoản 3 Điều 142 của Bộ luật Hình sự là trường hợp 02 người trở lên hiếp dâm 01 người. Cũng được coi là “nhiều người hiếp một người”, nếu có từ 02 người trở lên cùng bàn bạc, thống nhất sẽ thay nhau hiếp dâm 01 người, nhưng vì lý do ngoài ý muốn mới có 01 người thực hiện được hành vi hiếp dâm.

    Không coi là “nhiều người hiếp một người”, nếu có từ 02 người trở lên câu kết với nhau tổ chức, giúp sức cho 01 người hiếp dâm (trường hợp này là đồng phạm).

    4. Nhiều người cưỡng dâm một người quy định tại điểm a khoản 2 Điều 143 và điểm a khoản 3 Điều 144 của Bộ luật Hình sự là trường hợp 02 người trở lên cưỡng dâm 01 người. Cũng được coi là “nhiều người cưỡng dâm một người” nếu có từ 02 người trở lên cùng bàn bạc, thống nhất sẽ thay nhau cưỡng dâm 01 người, nhưng vì lý do ngoài ý muốn mới có 01 người thực hiện được hành vi cưỡng dâm.

    Không coi là “nhiều người cưỡng dâm một người”, nếu có từ 02 người trở lên câu kết với nhau tổ chức, giúp sức cho 01 người cưỡng dâm (trường hợp này là đồng phạm).

    Các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự

    1. Không xử lý hình sự theo quy định tại Điều 146 của Bộ luật Hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    a) Người trực tiếp chăm sóc, giáo dục người dưới 10 tuổi, người bệnh, người tàn tật có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của họ nhưng không có tính chất tình dục (ví dụ: cha, mẹ tắm rửa, vệ sinh cho con dưới 10 tuổi; giáo viên mầm non tắm rửa, vệ sinh cho trẻ mầm non).

    b) Người làm công việc khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của trẻ em nhưng không có tính chất tình dục (ví dụ: bác sĩ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân).

    2. Không xử lý hình sự về tội phạm tương ứng đối với hành vi quan hệ tình dục đồng thuận giữa những người từ đủ 16 tuổi đến 18 tuổi, trừ trường hợp quay lại cảnh quan hệ tình dục sau đó phát tán ra công chúng.

    * Nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội xâm hại tình dục trẻ em

    1. Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.

    2. Áp dụng hình phạt đặc biệt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm luân thường, đạo đức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng nghề nghiệp, công việc; xâm hại trẻ em dưới 13 tuổi.

    3. Áp dụng các hình phạt bổ sung cao nhất theo quy định của Bộ luật Hình sự và các đạo luật khác có liên quan. Trong trường hợp cần thiết có thể cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề liên quan đến trẻ em; cấm xuất hiện tại nơi có đông trẻ em.

    * Tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là trẻ em

    1. Thời hạn xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là trẻ em được thực hiện như sau:

    a) Áp dụng thủ tục rút gọn đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự;

    b) Đưa các vụ án khác ra xét xử trong thời hạn không quá ½ thời hạn pháp luật cho phép đối với các trường hợp tương ứng.

    2. Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ em, Tòa án phải thực hiện:

    a) Xét xử kín, tuyên án công khai theo đúng quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Khi tuyên án, Hội đồng xét xử chỉ đọc phần quyết định trong bản án;

    b) Phân công Thẩm phán có kiến thức hoặc kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến trẻ em;

    c) Khi tham gia xét xử, Thẩm phán mặc trang phục làm việc hành chính của Tòa án nhân dân, không mặc áo choàng;

    d) Xử án tại Phòng xét xử thân thiện theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28 tháng 7 năm 2017 và Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;

    đ) Có sự tham gia của người đại diện, người giám hộ, luật sư của trẻ em.

    3. Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ em, căn cứ vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, Tòa án cần thực hiện:

    a) Hạn chế triệu tập bị hại là trẻ em đến phiên tòa nếu vẫn giải quyết được vụ án bằng việc áp dụng các biện pháp thay thế khác (ví dụ: sử dụng lời khai của họ ở giai đoạn điều tra, truy tố; mời họ đến Tòa án hoặc địa điểm hợp pháp khác để lấy lời khai trước bằng văn bản, bằng ghi âm, ghi hình có âm thanh…).

    b) Trường hợp phải triệu tập bị hại là trẻ em đến phiên tòa, Tòa án cần tạo điều kiện để họ làm quen, tiếp xúc với môi trường Tòa án, với quy trình và thủ tục xét xử; bố trí cho họ ngồi ở phòng cách ly và sử dụng các thiết bị điện tử (ví dụ: micro, loa, ti vi, camera...) để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của họ khi họ khai báo, tham gia tố tụng tại phiên tòa; trường hợp không bố trí được phòng cách ly thì để họ ngồi ở phòng xử án nhưng phải có màn che ngăn cách với khu vực của bị cáo và khoảng cách giữa Hội đồng xét xử với người bị hại là trẻ em không quá 03 mét.

    c) Câu hỏi đối với bị hại là trẻ em phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa, hiểu biết của họ. Câu hỏi cần ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu; không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc; chỉ đặt câu hỏi làm rõ tình tiết vụ án; không đặt câu hỏi chỉ để tranh luận. Câu hỏi đối với bị hại dưới 10 tuổi không quá 10 từ và thời gian hỏi không liên tục quá 01 giờ.

    d) Sử dụng sơ đồ hoặc mô hình cơ thể có đánh số thứ tự các bộ phận để người bị hại là trẻ em xác định các bộ phận bị xâm hại mà không phải xác định trên cơ thể mình.

    đ) Khi bị cáo có nhu cầu hỏi bị hại là trẻ em thì phải đề nghị người bào chữa hoặc Hội đồng xét xử hỏi.

    4. Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ em, Tòa án không được thực hiện:

    a) Yêu cầu bị hại là trẻ em tường thuật lại chi tiết quá trình phạm tội;

    b) Sử dụng câu hỏi có tính chất công kích, đe dọa, gây xấu hổ, xúc phạm;

    cĐối chất với người phạm tội tại phiên tòa;

    d) Xác định bộ phận bị xâm hại bằng cách để bị hại là trẻ em chỉ trực tiếp vào bộ phận cơ thể của mình hoặc của người khác;

    đ) Để bị cáo hỏi trực tiếp bị hại là trẻ em;

    e) Buộc bị hại là trẻ em phải đứng khi tham gia tố tụng tại phiên tòa;

    g) Công khai bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến vụ án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

    5. Tòa án phải xem xét và đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ phù hợp theo quy định tại Chương XXXIV của Bộ luật Tố tụng hình sự khi bị hại, người thân thích của bị hại yêu cầu hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiến nghị bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của bị hại, người thân thích của họ.

    6Tuân thủ các quy định khác tại Chương XXVIII của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi; hướng dẫn tại Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

    Xem chi tiết dự thảo tại file đính kèm:

     
    17261 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #525526   13/08/2019

    kj88d
    kj88d

    Mầm

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:16/01/2019
    Tổng số bài viết (109)
    Số điểm: 854
    Cảm ơn: 7
    Được cảm ơn 94 lần


    Hiện giờ chưa có bộ môn giáo dục giới tính ở VN nhưng nếu có thì có được miễn trừ tội "trình diễn khiêu dâm" hay vì quy định này mà nó sẽ không bao giờ sinh ra ở VN.

    Bên cạnh nữa việc xem nạn nhân trình diễn khiêu dâm qua nền tảng công nghệ số sẽ được chứng minh bằng cách nào ? luật có bảo vệ nạn nhân không phải công dân vn ? nếu việc điều tra hoặc theo dõi vi phạm quy định tại Điều 159 BLHS thì có được xem là hợp pháp ? dù có quyết định cho phép theo dõi thì việc này vẫn có thể vi phạm HP, nếu tội phạm có kỹ năng về CNTT thì việc xóa dấu vết là có thể, do vậy nếu bằng biện pháp khám xét nhà và thu giữ ổ cứng làm chứng cứ không chứng minh được vậy thì có cách nào không ? luật hình thức vẫn không tiện cho quy định này. Nói chung là hơi hở.

     
    Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn kj88d vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (03/09/2019)
  • #527169   31/08/2019

    Việc có hướng dẫn cụ thể hành vi trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm quy định tại khoản 1 Điều 147 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người dưới 16 tuổi trực tiếp chứng kiến người khác trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức là rất cần thiết vì khi đọc khoản 1 Điều 147 mọi người rất dễ nhầm lẫn hành vi này là hành vi "Người nào đủ 18 tuổi trở lên trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm" bởi vì câu từ của điều luật không rõ ràng. 
     
    "Điều 147. Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm
    1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm."

     

     
    Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn Camtu1997 vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (03/09/2019)