Cấp bảo lãnh chính phủ cho khoản vay của doanh nghiệp

Chủ đề   RSS   
  • #605265 07/09/2023

    Cấp bảo lãnh chính phủ cho khoản vay của doanh nghiệp

    Bảo lãnh Chính phủ là văn bản cam kết của Chính phủ với bên cho vay về việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong trường hợp đến hạn trả nợ mà bên vay không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ. Vậy việc cấp bảo lãnh chính phủ cho khoản vay chính phủ thực hiện như thế nào. Hồ sơ bao gồm những gì?
     
    Trình tự thực hiện cấp bảo lãnh chính phủ cho khoản vay của doanh nghiệp
     
    Bước 1: Đối tượng được bảo lãnh gửi hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ (sau khi đã được phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh và hoàn thành đàm phán thỏa thuận vay) tới Bộ Tài chính.
     
    Bước 2: Bộ Tài chính thẩm định hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ cho khoản vay của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 15 Nghị định 91/2018/NĐ-CP.
     
    a) Trường hợp hồ sơ không đáp ứng các điều kiện theo quy định nêu tại Điều 14 Nghị định 91/2018/NĐ-CP ngày 26/6/2018, Bộ Tài chính thông báo cho Đối tượng được bảo lãnh để bổ sung trong vòng năm (05) ngày làm việc sau khi nhận được hồ sơ. Đối tượng được bảo lãnh có trách nhiệm bổ sung hồ sơ gửi Bộ Tài chính trong vòng mười (10) ngày làm việc.
     
    b) Trường hợp cần bổ sung thông tin trong quá trình thẩm định, Bộ Tài chính lấy ý kiến của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan quản lý ngành về các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý có liên quan đến dự án vay vốn đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ; hoặc yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các thông tin bổ sung nếu phát sinh trong quá trình thẩm định cấp bảo lãnh cho khoản vay đầu tư dự án. Các cơ quan có trách nhiệm trả lời trong vòng mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Bộ Tài chính.
     
    c) Trường hợp hồ sơ đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định 91/2018/NĐ-CP ngày 26/6/2018, trong vòng ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh từ doanh nghiệp, Bộ Tài chính thẩm định hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ nội dung Thư bảo lãnh cùng với báo cáo kết quả thẩm định cấp bảo lãnh chính phủ.
     
    Bước 3: Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp bảo lãnh chính phủ, doanh nghiệp cung cấp cho Bộ Tài chính: - Hợp đồng vay đã được các bên ký chính thức (bản sao có chứng thực);- Bản sao chứng thực Hợp đồng bảo hiểm tài sản thế chấp;- Văn bản thông báo số tài khoản của Tài khoản Dự án (hoặc hợp đồng mở Tài khoản Dự án) và toàn bộ tài khoản tiền gửi hiện có tại các tổ chức tín dụng kèm theo xác nhận của tổ chức tín dụng nơi mở tài khoản (bản chính).
     
    Bước 4: Bộ Tài chính cấp Thư bảo lãnh trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc cấp bảo lãnh chính phủ cho khoản vay và sau khi Đối tượng được bảo lãnh đã hoàn thành các thủ tục tại Bước 3 (theo quy định tại Điều 17 Nghị định 91/2018/NĐ-CP ngày 26/6/2018).
     
    Thành phần hồ sơ cấp bảo lãnh chính phủ cho khoản vay của doanh nghiệp
     
    - Ngoài hồ sơ đã gửi theo quy định tại Điều 11 Nghị định 91/2018/NĐ-CP ngày 26/6/2018 khi đề nghị phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh, doanh nghiệp đề nghị phê duyệt cấp bảo lãnh chính phủ đối với khoản vay nộp bổ sung cho Bộ Tài chính các hồ sơ sau (Điều 14 Nghị định 91/2018/NĐ-CP ngày 26/6/2018):
     
    - Văn bản yêu cầu khoản vay có bảo lãnh chính phủ của người cho vay gửi người vay (bản chính)
     
    - Văn bản đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ của doanh nghiệp kèm theo đề xuất Ngân hàng phục vụ cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh (bản chính).
     
    - Các văn bản theo quy định tại Điều 11 Nghị định 91/2018/NĐ-CP ngày 26/6/2018 nếu có bất kỳ điều chỉnh nào so với văn bản đã nộp trước đây.
     
    - Báo cáo nghiên cứu khả thi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư và đầu tư công (trường hợp chỉ nộp cho Bộ Tài chính Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi khi thẩm định chủ trương cấp bảo lãnh) (bản sao có chứng thực).
     
    - Đề án vay (bản chính) là đề án được cập nhật ít nhất sáu (06) tháng trước khi nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt cấp bảo lãnh chính phủ theo các nội dung nêu tại Khoản 4 Điều 11 Nghị định 91/2018/NĐ-CP ngày 26/6/2018, đồng thời bổ sung các nội dung sau: a) Tóm tắt trị giá và các điều kiện của khoản vay đề nghị cấp bảo lãnh theo dự thảo thỏa thuận vay đã được các bên ký tắt và các khoản vay khác (nếu có); b) Kế hoạch rút vốn tổng thể theo quý của khoản vay. c) Quyết định của Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị của Đối tượng được bảo lãnh về việc bố trí vốn chủ sở hữu tham gia dự án tối thiểu 20% trong tổng mức đầu tư của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt kèm theo kế hoạch bố trí vốn chủ sở hữu hàng năm trong thời kỳ xây dựng theo tiến độ thực hiện dự án.
     
    - Văn bản phê duyệt đề án vay được Chính phủ bảo lãnh của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với Đối tượng được bảo lãnh là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (bản chính).
     
    - Dự thảo thỏa thuận vay cuối cùng đã được các bên ký tắt hoặc thỏa thuận vay đã được ký kết, có quy định về số tiền cho vay và yêu cầu bảo lãnh chính phủ (bản sao có chứng thực).
     
    - Báo cáo tài chính ba (03) năm liền kề gần nhất với thời điểm gửi hồ sơ thẩm định cấp bảo lãnh đã được kiểm toán theo quy định tại Khoản 6 Điều 11 Nghị định 91/2018/NĐ-CP ngày 26/6/2018 (bản sao có chứng thực). Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm trường hợp thời điểm đề nghị cấp bảo lãnh vào nửa cuối năm tài chính.
     
    - Báo cáo chi tiết của Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam về tình hình tín dụng của doanh nghiệp đề nghị bảo lãnh chính phủ (bản in có đóng dấu của ngân hàng cung cấp thông tin).
     
    - Văn bản cam kết theo quy định tại Phụ lục 1 của Nghị định 91/2018/NĐ-CP ngày 26/6/2018 (bản chính) kèm theo xác nhận của đại diện có thẩm quyền của công ty mẹ hoặc tổ chức, cá nhân góp vốn từ 65% vốn điều lệ trở lên về việc đảm bảo trả nợ thay trong trường hợp doanh nghiệp đề nghị bảo lãnh chính phủ gặp khó khăn trong việc trả nợ.
     
    - Văn bản cam kết của các tổ chức và cá nhân sở hữu cổ phần hoặc vốn góp từ 5% vốn điều lệ thực góp trở lên về việc cùng nhau nắm giữ tối thiểu 65% vốn điều lệ thực góp trong suốt thời gian bảo lãnh có hiệu lực, kèm theo danh sách các cổ đông, cá nhân nói trên (đối với công ty cổ phần).
     
    - Các văn bản chứng minh dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư
     
    268 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận