Cảnh sát giao thông có được nổ súng để trấn áp hiện trường không?

Chủ đề   RSS   
  • #612723 13/06/2024

    gryffin

    Chồi

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:07/03/2024
    Tổng số bài viết (92)
    Số điểm: 1498
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 35 lần


    Cảnh sát giao thông có được nổ súng để trấn áp hiện trường không?

    Ngày 10/6 vừa qua tại Đồng Nai đã xảy ra cuộc xô xát lớn giữa những người dân với nhau. Điều đáng nói, giữa lúc xô xát và quá khích của những đối tượng, một cán bộ Cảnh sát giao thông đã nổ súng chỉ thiên trấn áp hiện trường. Qua đó, một câu hỏi được đặt ra, những cán bộ cảnh sát giao thông có được nổ súng để trấn áp hiện trường như tình huống trên không?

    1. Cảnh sát giao thông có được trang bị súng không?

    Có lẽ đến giờ vẫn còn nhiều người thắc mắc rằng, Cảnh sát giao thông có được trang bị súng hay không? Câu trả lời là có đấy.

    Căn cứ khoản 3 Điều 13 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định vũ khí, công cụ hỗ trợ của Cảnh sát giao thông khi tuần tra, kiểm soát gồm: 

    - Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn điện, súng bắn lưới, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn cay, súng bắn đạn đánh dấu, bình xịt cay, dùi cui điện, áo giáp, khóa số 8, gậy chỉ huy giao thông.

    Ngoài ra, căn cứ khoản 2, 3 Điều 7 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định về trách nhiệm của của Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát như sau:

    - Tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong phạm vi tuyến đường, địa bàn được phân công.

    - Phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định; phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ.

    Có thể nói rằng, vì tính chất nhiệm vụ quan trong và nguy hiểm, do đó, các cán bộ công an giao thông được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ như súng là điều cần thiết.

    2. Cảnh sát giao thông có được nổ súng để trấn áp hiện trường không?

    Căn cứ khoản 2 Điều 22 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải tuân theo nguyên tắc sau đây:

    - Phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng thực hiện để quyết định việc sử dụng vũ khí quân dụng;

    - Chỉ sử dụng vũ khí quân dụng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc sử dụng vũ khí quân dụng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được sử dụng ngay;

    - Không sử dụng vũ khí quân dụng khi biết rõ đối tượng là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;

    - Trong mọi trường hợp, người sử dụng vũ khí quân dụng phải hạn chế thiệt hại do việc sử dụng vũ khí quân dụng gây ra.

    Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định người thi hành nhiệm vụ độc lập phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào đối tượng trong trường hợp sau đây:

    - Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác tấn công hoặc chống trả đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;

    - Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác gây rối trật tự công cộng đe dọa tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác;

    - Người đang bị truy nã, bị bắt, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử hoặc chấp hành hình phạt tù đang chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; đối tượng đang đánh tháo người bị dẫn giải, người bị giam, giữ, áp giải do phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm;

    - Khi biết rõ đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;

    - Được nổ súng vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa, trừ phương tiện giao thông của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế để dừng phương tiện đó trong trường hợp đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; khi biết rõ phương tiện do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở người hoặc có con tin; khi biết rõ trên phương tiện chở đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở người hoặc có con tin.

    Xét theo quy định trên và xét theo tình tình thực tế khi các đối tượng trở nên quá khích, thể hiện sự chống đối thì Cảnh sát giao thông được quyền nổ súng để trấn áp hiện trường. 

    Chung quy lại, cần hiểu rằng công việc giữ gìn trật tự và xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật đòi hỏi sự nhanh chóng, cẩn trọng và chính xác. Theo đó, việc nổ súng để trấn áp hiện trường đúng theo quy định được nêu trên khi không còn biện pháp ngăn chặn nào khác là những việc làm cần thiết, giúp cho quy trình xử lý của các cán bộ Cảnh sát giao thông được nhanh chóng và hoàn thành theo đúng quy định.

     
    158 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận