Cảnh sát biển Việt Nam có những chức danh pháp lý nào?

Chủ đề   RSS   
  • #606730 10/11/2023

    tlthuthao21899
    Top 200
    Lớp 2

    Vietnam --> Bến Tre
    Tham gia:06/12/2019
    Tổng số bài viết (435)
    Số điểm: 3330
    Cảm ơn: 4
    Được cảm ơn 52 lần


    Cảnh sát biển Việt Nam có những chức danh pháp lý nào?

    Việc bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là một nhiệm vụ cốt lõi cho nên lực lượng Cảnh sát biển là một phần không thể thiếu. Vậy thì pháp luật quy định về cảnh sát biển Việt Nam có những chức danh pháp lý nào? Và cảnh sát biển Việt Nam sẽ có những quyền gì?

    Cảnh sát biển Việt Nam có những chức danh pháp lý nào?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 61/2019/NĐ-CP, về các chức danh pháp lý của Cảnh sát biển Việt Nam như sau:

    - Cảnh sát viên, Trinh sát viên và Cán bộ điều tra là chức danh pháp lý của Cảnh sát biển Việt Nam, có nhiệm vụ phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

    - Cảnh sát viên, Trinh sát viên Cảnh sát biển gồm:

    + Cảnh sát viên, Trinh sát viên sơ cấp;

    + Cảnh sát viên, Trinh sát viên trung cấp;

    + Cảnh sát viên, Trinh sát viên cao cấp.

    - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và Mẫu giấy chứng nhận Cảnh sát viên, Trinh sát viên của Cảnh sát biển Việt Nam.

    - Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Cảnh sát viên, Trinh sát viên; cấp, thu hồi và quy định việc quản lý, sử dụng Giấy chứng nhận Cảnh sát viên, Trinh sát viên của Cảnh sát biển Việt Nam.

    - Cán bộ điều tra thuộc Cảnh sát biển Việt Nam khi được phân công điều tra vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thủ trưởng đã ra quyết định phân công về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

    Như vậy, cảnh sát biển Việt Nam có những chức danh như Cảnh sát viên, Trinh sát viên và Cán bộ điều tra.

    Cảnh sát biển Việt Nam sẽ thực hiện những nhiệm vụ nào?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018, về nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam như sau:

    - Thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để đề xuất chủ trương, giải pháp, phương án bảo vệ an ninh quốc gia và thực thi pháp luật trên biển; nghiên cứu, phân tích, dự báo, tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật về bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh quốc gia trong vùng biển Việt Nam, bảo đảm trật tự, an toàn và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển.

    - Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; bảo vệ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển.

    - Đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và tham gia khắc phục sự cố môi trường biển.

    - Tham gia xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh và xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh trên biển.

    - Thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

    - Tiếp nhận, sử dụng nhân lực, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự được huy động tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam.

    - Thực hiện hợp tác quốc tế trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.

    Theo đó, Cảnh sát biển Việt Nam phải đảm bảo thực hiện theo những nhiệm vụ như bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; đấu tranh phòng chống tội phạm trên biển,...

    Cảnh sát biển Việt Nam có những quyền gì?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018, về quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam như sau:

    - Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý trong vùng biển Việt Nam theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    - Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo quy định tại Điều 14 Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018 như sau:

    + Khi thi hành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam sử dụng vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và được nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

    + Ngoài các trường hợp nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, khi thi hành nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được nổ súng vào tàu thuyền trên biển, trừ tàu thuyền của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế, tàu thuyền có chở người hoặc có con tin, để dừng tàu thuyền, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    Đối tượng điều khiển tàu thuyền đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

    Khi biết rõ tàu thuyền do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn;

    Khi biết rõ tàu thuyền chở đối tượng phạm tội hoặc chở vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma tuý, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn;

    Khi tàu thuyền có đối tượng đã thực hiện hành vi cướp biển, cướp có vũ trang theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, quy định của pháp luật về hình sự cố tình chạy trốn.

    Trường hợp nổ súng theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh, lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào tàu thuyền; phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức.

    - Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định tại Điều 15 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    - Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

    - Tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự theo quy định của pháp luật về tổ chức cơ quan điều tra hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự.

    - Truy đuổi tàu thuyền vi phạm pháp luật trên biển.

    - Huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam trong trường hợp khẩn cấp.

    - Đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam hỗ trợ, giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp.

    - Bắt giữ tàu biển theo quy định của pháp luật.

    - Áp dụng biện pháp công tác theo quy định tại Điều 12 Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018

    Như vậy, ngoài nhiệm vụ mà cảnh sát biển phải làm thì cảnh sát biển còn có những quyền hạn nêu trên.

    Từ những căn cứ nêu trên, có thể thấy cảnh sát biển là lực lượng vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và phòng chống tội phạm trên biển Việt Nam.

     
     
    70 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận