Mới đây, lực lượng cơ quan chức năng đã phát hiện nhóm đối tượng đăng tải lên các trang mạng xã hội bài viết nhận tra soát thông tin khách hàng tại các hệ thống ngân hàng trên toàn quốc để thu phí nhằm trục lợi. Đây là hành vi vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thông tin cá nhân của khách hàng.
Theo Báo điện tử VTV thông tin như sau:
Vừa qua, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã hoàn tất Chuyên án HĐN4 làm rõ đường dây mua bán, trao đổi trái phép thông tin tài khoản 22 ngân hàng trên cả nước.
Qua công tác nắm tình hình, trinh sát kỹ thuật trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát hiện thời gian vừa qua trên địa bàn TP Đà Nẵng xuất hiện nhóm đối tượng có hành vi đăng tải lên các trang mạng xã hội Facebook, Telegram, Zalo các bài viết có nội dung liên quan đến việc nhận tra soát thông tin cá nhân của khách hàng tại 22 hệ thống ngân hàng trên toàn quốc để thu phí nhằm thu lợi bất chính.
Theo đó, nhóm đối tượng đã tham gia nhóm Facebook tên “Tài khoản ngân hàng A.T.M”, trong nhóm này có nhiều tài khoản Facebook đăng tải các bài viết có nội dung liên quan đến việc trao đổi, mua bán thông tin tài khoản ngân hàng của người khác để thu lợi.
Nhận thấy công việc này dễ thực hiện và dễ thu lợi nên nhóm đối tượng đã sử dụng tài khoản Facebook, Zalo, Telegram để đăng tải bài viết có nội dung quảng cáo nhận làm dịch vụ tra soát thông tin tài khoản ngân hàng của người khác và có thu phí để thu lợi bất chính.
Khi có khách liên hệ mua thông tin tài khoản ngân hàng (bao gồm thông tin chủ tài khoản, số CCCD hoặc CMND, địa chỉ, số điện thoại internet banking…) thì đối tượng liên hệ các đầu mối trên mạng và với các nhân viên làm việc tại các ngân hàng trên cả nước để tra soát, thu thập, mua thông tin rồi bán lại cho khách hàng liên hệ qua mạng xã hội với giá chênh lệch.
Tùy vào từng ngân hàng khác nhau mà các đối tượng bán thông tin tài khoản ngân hàng với giá khác nhau khoảng từ 300.000 đến 2.200.000 mỗi thông tin tài khoản ngân hàng.
Tổng cộng nhóm đối tượng đã trao đổi, mua bán thông tin của hơn 200 tài khoản ngân hàng và thu về số tiền hơn 400 triệu đồng từ khách hàng.
Mức xử phạt đối với hành vi tra soát thông tin tài khoản ngân hàng để trục lợi
Căn cứ tại Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015 quy định Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng như sau:
Khung 1: Người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Khung 2: Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
- Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 50 tài khoản đến dưới 200 tài khoản;
- Có tổ chức;
- Có tính chất chuyên nghiệp;
- Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
- Tái phạm nguy hiểm.
Khung 3: Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
- Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên;
- Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tham khảo thêm:
Đối với hành vi bán thông tin khách hàng sẽ bị xử lý như sau:
Xử phạt vi phạm hành chính
Theo Khoản 5 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP: Đối với hành vi mua bán, trao đổi thông tin khách hàng thì cá nhân, tổ chức có thể bị phạt tiền từ 50 triệu – 70 triệu đồng. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức có hành vi trên có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép thiết lập mạng xã hội từ 22 tháng đến 24 tháng; và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. (Điểm a, Điểm b Khoản 9 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP)
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Trường hợp nếu hậu quả gây ra nghiêm trọng, dẫn đến gây ảnh hưởng nghiệm trọng đối với cá nhân đó thì chủ thể mà thực hiện hành vi bán thông tin khách hàng sẽ phải gánh chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 288 của Bộ luật Hình sự 2015 mức phạt sẽ dao động từ 30 - 200 triệu đồng. Thậm chí chủ thể này có thể có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng- 03 năm.