Lừa đảo “việc nhẹ lương cao” là thủ đoạn không còn quá xa lạ với chúng ta. Tuy nhiên, ngày nay chiêu trò này diễn ra dưới nhiều hình thức hơn, mức độ nguy hiểm cũng ngày càng cao.
Cụ thể là hành vi dụ dỗ các cô gái trẻ về việc làm “việc nhẹ lương cao” nhưng thực ra là ép phải bán dâm cho khách ở các quán karaoke. Như vậy, mức xử phạt đối với hành vi lừa đảo này được pháp luật quy định như thế nào?
Thủ đoạn lừa đảo “việc nhẹ lương cao”
Vừa qua, nằm trong kế hoạch thực hiện cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trong dịp Tết Nguyên đán, cảnh sát đã bắt được các đối tượng lừa đảo và giải cứu được 14 cô gái bị nhóm giang hồ giam giữ.
Cụ thể, các đối tượng này đã móc nối với nhiều người môi giới việc làm ở Tp Hồ chí Minh lừa các cô gái trẻ cả tin, có nhu cầu tìm việc đến quán karaoke với câu dẫn “việc nhẹ lương cao”.
Theo đó, khi các cô gái đến nhận việc, lúc này, các đối tượng tập trung họ về một căn nhà và cho đàn em canh chừng hoặc đưa về quán karaoke ép phải kích dục, múa thoát y và bán dâm cho khách.
Nhóm đối tượng này lừa các cô gái vay tiền với lãi suất cao từ 20%-30% mỗi tháng. Trong quá trình ghi nợ, chúng quay phim, chụp ảnh để thể hiện những nạn nhân này là tự nguyện đến quán karaoke của chúng làm việc. Đây là chiêu trò để các đối tượng tạo ra bằng chứng giả để qua mặt các cơ quan chức năng. Nhiều trường hợp, chúng còn bắt các nạn nhân thoát y để chụp ảnh với mục đích khống chế tinh thần.
Mức xử phạt đối với thủ đoạn lừa đảo “việc nhẹ lương cao”
Đối với hành vi này, người vi phạm có thể thuộc các tội sau đây:
- Tội chứa mại dâm, môi giới mại dâm
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Trường hợp có việc mua, bán dâm giữa khách hàng và tiếp viên của các quán cà phê trên thì tùy từng trường hợp, chủ cơ sở kinh doanh quán cà phê có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội sau:
Tội chứa mại dâm theo Điều 327 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người nào chứa mại dâm, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Mức phạt cao nhất đối với tội này có thể bị phạt tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tội môi giới mại dâm” theo Điều 328 BLHS 2015 Người nào làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Mức phạt cao nhất của Tội này có thể bị phạt đến 15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Xử phạt vi phạm hành chính
Điểm a khoản 1 Điều 20 Nghị định 178/2004/NĐ-CP quy định: Các tổ chức, cá nhân sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định 178/2004/NĐ-CP, ngoài việc bị phạt tiền, các quán karaoke hoạt động kích dục trên còn bị tước quyền sử dụng giấy phép (Nếu các quán karaoke được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh cá thể hoặc doanh nghiệp).
Về việc xử lý hình sự đối với người sử dụng “các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh”: hiện nay pháp luật hiện hành chưa có quy định nhưng các hành vi mại dâm - tùy từng trường hợp cụ thể - sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội danh tương ứng.
Bên cạnh đó, hành vi lừa đảo “việc nhẹ lương cao” này còn vi phạm:
- Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định:
Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của BLHS 2015, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Mức phạt cao nhất của tội này có thể bị phạt tù lên đến 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01-05 năm.
- Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170 BLHS 2015) quy định:
Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01-05 năm.
Mức phạt cao nhất của tội này có thể bị phạt tù đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
- Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (Điều 201 BLHS 2015) quy định:
Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Mức phạt cao nhất của tội này có thể bị phạt tù đến 03 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm.
- Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS 2015) quy định:
Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
+ Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
+ Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Mức phạt cao nhất đối với tội này là tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.