Để tránh hiểu sai việc xử lý vi phạm của CSGT, sau đây hãy cùng tìm hiểu cần bao nhiêu CSGT thì mới có thể dừng xe để xử lý vi phạm? Khi có yêu cầu dừng xe nên làm gì? Có thể khiếu nại qua đâu?
(1) Cần tối thiểu là bao nhiêu CSGT mới được quyền dừng xe và xử lý vi phạm?
Gần đây, không quá khó để bắt gặp một bài viết hay video trên các trang mạng xã hội có nội dung về việc người tham gia giao thông cho rằng CSGT đang đi một mình không có thẩm quyền để có thể dừng phương tiện của họ. Để giải thích cho tranh cãi nêu trên. Hãy cùng đọc và tham khảo Điều 16 của Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định về việc dừng phương tiện giao thông để kiểm soát để có cái nhìn khách quan hơn.
Cụ thể, điều luật này bao gồm 04 trường hợp mà CSGT được quyền dừng phương tiện đang tham gia giao thông để kiểm soát, như sau:
- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;
- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành;
- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
- Có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Có thể thấy, ở đây chỉ đề cập đến các trường hợp mà CSGT có thể cho dừng xe của người tham gia giao thông. Không hề quy định số lượng CSGT, vậy nên việc CSGT đi một mình vẫn có thể yêu cầu dừng xe và xử lý vi phạm vẫn đúng với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, tại Điều 11 thuộc Thông tư 32/2023/TT-BCA có quy định về việc thực hiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang như sau:
“Tổ Cảnh sát giao thông được bố trí một bộ phận cán bộ hóa trang (mặc thường phục), phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định tại khoản 3 Điều này để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến, địa bàn được phân công”
Vậy nên, đối với trường hợp này thì cần phải có ít nhất từ 02 người trở lên.
(2) Khi được yêu cầu dừng xe, người tham gia giao thông nên làm gì?
Để tránh trường hợp bị hiểu lầm là không chấp hành hiệu lệnh và đồng thời để bảo vệ quyền lợi cho bản thân, người điều khiển phương tiện có thể thực hiện các bước sau sau khi nhận được yêu cầu dừng xe từ phía CSGT.
- Chấp hành hiệu lệnh: Kể cả khi người điều khiển phương tiện không vi phạm, CSGT vẫn có quyền yêu cầu dừng xe như đã giải thích tại mục (1).
- Giảm tốc độ và quan sát các bên xe để tạt vào vị trí an toàn nhất. Lưu ý chỉ dẫn của CSGT nhưng phải đảm bảo an toàn nhất cho bản thân và những người đang lưu thông.
- Giữ thái độ bình tĩnh và xuất trình giấy tờ theo yêu cầu của CSGT.
- Ngoài ra, căn cứ theo Điều 11 thuộc Thông tư 67/2019/TT-BCA thì người điều khiển phương tiện còn có quyền giám sát đối với CSGT thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp như điện thoại, camera hành trình,... Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý những điểm sau:
+ Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ;
+ Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông);
+ Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
(3) Có thể khiếu nại về quyết định xử phạt của CSGT qua đâu?
Căn cứ theo quy định Điều 15 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012:
“Cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, khi có đủ bằng chứng, căn cứ cho rằng quyết định xử phạt của cảnh sát giao thông là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân, thì người bị xử phạt có quyền khiếu nại để đề nghị người có thẩm quyền xem xét lại quyết định xử phạt hành chính của cảnh sát giao thông theo hình thức được quy định tại Điều 8 Luật Khiếu nại 2011 được hướng dẫn bởi Nghị định 124/2020/NĐ-CP như sau:
“- Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.
- Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại Khoản 2 Điều này.”
Để tổng kết lại, kể cả khi chỉ có một mình, CSGT vẫn có quyền yêu cầu người điều khiển phương tiện dừng xe để thực hiện công tác kiểm tra. Khi nhận được hiệu lệnh này, người điều khiển nên hợp tác, nếu có xảy ra bất kỳ sai phạm nào trong quá trình kiểm tra và xử lý, người điều khiển phương tiện có thể trực tiếp khiếu nại hoặc gửi đơn khiếu nại theo quy định.