Trong quan hệ lao động, việc đánh giá hiệu quả làm việc của người lao động (NLĐ) có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi nó có liên quan đến quyền lợi của NLĐ (căn cứ trong thi đua, khen thưởng...). Mặt khác, đây cũng được xem là một trong những căn cứ để người sử dụng lao động (NSDLĐ) có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ theo điểm a khoản 1 Điều 38 Bộ luật lao động 2012:
“1. NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:
a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
...”
Điều này được hiểu là nếu NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc thì NSDLĐ có thể tiến hành đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Vậy, như thế nào được coi là thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng?
Trước đây, vấn đề NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 43/2003/NĐ-CP như sau:
“Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động là không hoàn thành định mức lao động hoặc nhiệm vụ được giao do yếu tố chủ quan và bị lập biên bản hoặc nhắc nhở bằng văn bản ít nhất hai lần trong một tháng, mà sau đó vẫn không khắc phục.”
Xong, pháp luật hiện hành đã không còn ghi nhận quy định trên, bởi rõ ràng nó có phần máy móc, mỗi doanh nghiệp sẽ có những tiêu chuẩn đánh giá khác nhau về mức độ hoàn thành công việc phù hợp tùy thuộc vào điều kiện, môi trường công việc của doanh nghiệp đó, vậy nên quy định trên không còn phù hợp. Hiện nay, vấn đề NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 05/2015/NĐ-CP như sau:
“Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của NSDLĐ tại các Điểm a và c Khoản 1 Điều 38 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
1. NSDLĐ phải quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của doanh nghiệp, làm cơ sở đánh giá người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ do NSDLĐ ban hành sau khi có ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
2. Lý do bất khả kháng khác thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Do địch họa, dịch bệnh;
b) Di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”
Theo quy định trên, hiện nay pháp luật chưa có ghi nhận cụ thể về tiêu chí đánh giá mức độ không thường xuyên hoàn thành công việc, do đó, để có căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc cần phải căn cứ vào Quy chế của công ty. Điều này đòi hỏi phía NSDLĐ phải xây dựng và ban hành Quy chế về việc đánh giá mức độ hoàn thành công việc của NLĐ. Thế nên, nếu trường hợp NSDLĐ không ban hành bản quy chế này thì rõ ràng sẽ gây nên khó khăn, bất cập trong việc đánh giá một cách chính xác, khách quan căn cứ như thế nào là “NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động” và từ đó dễ gây ra tranh chấp giữa NLĐ và NSDLĐ.
Với quy định tại Điều 12 Nghị định 05/2015/NĐ-CP, chúng ta thấy rằng thủ tục ban hành Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc của NLĐ có thể được tiến hành như sau:
Bước 1: Xây dựng dự thảo Quy chế
- NSDLĐ phải xây dựng các quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của doanh nghiệp.Theo đó, các phòng ban trong doanh nghiệp phối hợp để xây dựng dự thảo Quy chế (thường thì Ban giám đốc sẽ phối hợp với Phòng Nhân sự, Phòng/khối pháp chế, pháp lý để soạn thảo).
- Nội dung Quy chế có thể bao gồm các nội dung về: nguyên tắc đánh giá, trình tự, thời điểm đánh giá, thang điểm, thẩm quyền đánh giá,...
Bước 2: Lấy ý kiến Công đoàn cơ sở và ra Quyết định ban hành Quy chế
- Tiếp đó, phía NSDLĐ sẽ làm việc với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở để trao đổi, lấy ý kiến, trên cơ sở có sự thống nhất.
- Sau đó người có thẩm quyền của doanh nghiệp sẽ ký Quyết định ban hành Quy chế này. Quy chế này cũng cần được thể hiện/ghi nhận trong Thỏa ước lao động tập thể của công ty.