Đua xe trái phép là vấn nạn của toàn xã hội, là nỗi lo của các gia đình và người đi đường. Đây là trò chơi nguy hiểm mà những đối tượng chơi, họ thường xem thường tính mạng của bản thân và những người khác. Hậu quả của trò chơi một số đối tượng đã mất tính mạng, một số đối tượng khác phải mang thương tật suốt đời.
Theo nội dung câu hỏi của Anh, em có một số thông tin trao đổi như sau:
Căn cứ Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, theo đó hành vi bị cấm khi tham gia giao thông có:
“…
6. Đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng.”
Như vậy, theo quy định người tham gia giao thông không được đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép. Do vậy, nếu người tham gia giao thông thực hiện các hành vi nêu trên thì sẽ bị xử lý như sau:
Xử phạt hành chính:
Đối với việc xử phạt hành vi đua ô tô trái phép, Điều 34 Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định như sau:
“...
- Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người đua xe ô tô trái phép.
- Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
+ Thực hiện hành vi quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này (người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, ô tô trái phép) bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng và tịch thu phương tiện.”
Vậy, ngoài việc bị phạt tiền với lỗi đua xe trái phép, người tham gia đua xe trái phép còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3 tháng đến 5 tháng và tịch thu phương tiện.
Mà theo Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định:
“Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức”.
Do đó, trong trường hợp này, chiếc xe không phải bị tạm giữ mà là bị tịch thu để sung vào ngân sách nhà nước.
Xử lý hình sự
Căn cứ Điều 266 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 78 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội đua xe trái phép như sau:
"Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
78. Sửa đổi, bổ sung Điều 266 như sau:
“Điều 266. Tội đua xe trái phép
1. Người nào đua trái phép xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc Điều 265 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
...”"
Như vậy, khi người đua xe trái phép mà gây thiệt hại cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích theo quy định tại Điều 266 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 78 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 mà còn vi phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trên đây là thông tin trao đổi cùng Anh về căn cứ để xử lý hành vi đua ô tô trái phép!