Cán bộ tự ý đi du lịch trong giờ làm mà không báo cáo bị xử lý như thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #613309 26/06/2024

    Cán bộ tự ý đi du lịch trong giờ làm mà không báo cáo bị xử lý như thế nào?

    Cán bộ tự ý đi du lịch trong giờ làm mà không báo cáo bị xử lý như thế nào? Mức độ của hành vi vi phạm được xác định như thế nào? Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ?

    1. Cán bộ tự ý đi du lịch trong giờ làm mà không báo cáo bị xử lý như thế nào?

    Căn cứ khoản 2 Điều 9 Luật Cán bộ, công chức 2008. Theo đó, cán bộ, công chức trong thi hành công vụ có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước.

    Đồng thời, căn cứ khoản 6 Điều 58 Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013. Theo đó, hành vi sử dụng thời gian lao động vào việc riêng, sử dụng thời gian lao động không hiệu quả là hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước.

    Do đó, căn cứ khoản 1, khoản 4 Điều 8 Nghị định 112/2020/NĐ-CP. Việc cán bộ đi du lịch trong giờ làm không báo cáo, không xin phép mà đây là hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng thì bị áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách, cụ thể:

    - Vi phạm quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức; quy định của pháp luật về thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức; kỷ luật lao động; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

    -  Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã hội; trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

    Như vậy, đối với hành vi cán bộ tự ý đi du lịch trong giờ làm mà không báo cáo có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách.

    2. Mức độ của hành vi vi phạm được xác định như thế nào?

    Căn cứ khoản 2 Điều 6 Nghị định 112/2020/NĐ-CP. Theo đó, mức độ của hành vi vi phạm được xác định như sau:

    - Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

    - Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

    - Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

    - Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

    Như vậy, mức độ của hành vi vi phạm được xác định từ vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng đến vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

    3. Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ?

    Căn cứ khoản 1 Điều 7 Nghị định 112/2020/NĐ-CP. Theo đó, các hình thức kỷ luật đối với cán bộ gồm:

    - Khiển trách.

    - Cảnh cáo.

    - Cách chức.

    - Bãi nhiệm.

    Như vậy, cán bộ khi vi phạm có thể bị áp dụng các hình thức kỷ luật theo quy định.

    Tóm lại, cán bộ tự ý đi du lịch trong giờ làm mà không báo cáo, không xin phép được xem là không có ý thức tổ chức kỷ luật; là hành vi vi phạm kỷ luật lao động; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đồng thời, đây còn được xem là hành vi gây lãng phí thời gian. Do đó, khi cán bộ vi phạm sẽ bị áp dụng các hình thức kỷ luật từ cảnh cáo đến bãi nhiệm, tùy thuộc vào tính chất, hậu quả và thực tế trên hành vi vi phạm. 

     
    179 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận