Căn cứ theo điểm b Khoản 2 Điều 18 của Luật Doanh nghiệp 2014 quy định:
“Điều 18. Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp
[…]
2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
[…]
b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;[…]”
Theo đó, tất cả những người là cán bộ, công chức, viên chức thì không được đứng tên thành lập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cán bộ, công chức, viên chức được góp vốn vào doanh nghiệp do pháp luật có phần “thoáng” hơn trong vấn đề này, cụ thể theo điểm d Khoản 2 Điều 18 của Luật Doanh nghiệp 2014, quy định:
“Điều 18. Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp
[…]
2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
[…]
d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;[...]”
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức được phép góp vốn vào doanh nghiệp, nhưng phải đáp ứng các điều kiện dưới đây:
- Không giữ chức vụ quản lý, điều hành;
- Không kinh doanh trong lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ trong một thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;
- Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.
Điều đó có nghĩa là, cán bộ, công chức, viên chức chỉ có thể tham gia góp vốn tương ứng với loại hình doanh nghiệp như sau:
- Là cổ đông góp vốn vào công ty cổ phần (không được tham gia với tư cách là người trong hội đồng quản trị, ban kiểm soát hay chức vụ quản lý khác của doanh nghiệp);
- Là thành viên góp vốn của công ty hợp danh.
Bên cạnh đó, pháp luật còn có quy định ràng buộc về phạm vi kinh doanh đối với thân nhân của cán bộ, công chức là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, cụ thể:
- Vợ hoặc chồng của những người này không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước;
- Vợ, chồng, cha, mẹ, con của những người này không được kinh doanh trong phạm vi người đó trực tiếp quản lý.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, quyền kinh doanh của đối tượng làm việc trong cơ quan Nhà nước được quy định như sau:
- Tất cả người làm việc trong cơ quan nhà nước được tự do thành lập hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật.
- Người làm việc tại cơ quan nhà nước mà không phải là cán bộ, công chức, viên chức thì vẫn có quyền tự do thành lập, góp vốn và quản lý doanh nghiệp.
- Cán bộ, công chức, viên chức chỉ được góp vốn kinh doanh vào công ty cổ phần, công ty hợp danh nhưng không được quyền quản lý, điều hành và đảm bảo điều kiện về phạm vi kinh doanh theo quy định của pháp luật.