Quà tặng trong các dịp lễ, Tết sẽ giúp thể hiện được tình cảm quý mến, sự trân trọng, biết ơn của người tặng đối với người nhận. Tuy nhiên, nếu đối tượng nhận quà là người có chức vụ, quyền hạn thì nhiều khả năng đây là hành vi nhằm mục đích vụ lợi.
Người có chức vụ, quyền hạn là ai?
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:
- Cán bộ, công chức, viên chức;
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
- Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
- Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức;
- Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
Theo đó, cán bộ, công chức được xem là người có chức vụ, quyền hạn.
Cán bộ, công chức nhận quà tặng có bị coi là tham nhũng?
Một trong những nội dung đáng chú ý tại khoản 2 Điều 22 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 là cán bộ, công chức không được nhận quà dưới bất kỳ hình thức nào. Cụ thể, quy định này nghiêm cấm cán bộ, công chức nhận quà của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc công tác thuộc phạm vi quản lý của mình dù là trực tiếp hay gián tiếp dưới mọi hình thức.
Tức, dù cán bộ, công chức không tự nhận mà thông qua người thân như vợ, chồng, con, cha, mẹ,… để nhận quà tặng của người khác cũng không được.
Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi - lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng (khoản 1 và khoản 7 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018) .
Chính vì thế, việc cán bộ, công chức nhận quà tặng, đạt được lợi ích vật chất/phi vật chất không chính đáng có thể xem là biểu hiện của hành vi tham nhũng.
Cần làm gì với quà tặng để không bị xem là tham nhũng?
Theo khoản 2 Điều 26 Nghị định 59/2019/NĐ-CP, khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối.
Trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.
Báo cáo được thể hiện bằng văn bản và có đầy đủ các nội dung:
- Họ, tên, chức vụ, cơ quan, địa chỉ của người tặng quà;
- Loại và giá trị của quà tặng;
- Thời gian, địa điểm và hoàn cảnh cụ thể khi nhận quà tặng;
- Mối quan hệ với người tặng quà.
Như vậy, để không bị coi là tham nhũng, cán bộ, công chức khi nhận được quà tặng thì buộc phải từ chối. Trường hợp không từ chối được, cán bộ, công chức phải nộp lại quà tặng cho Thủ trưởng cơ quan.
Mặt khác, đối với người có hành vi tham nhũng, dù giữ bất kỳ chức vụ, vị trí công tác nào cũng sẽ bị xử lý nghiêm minh dù cho đã nghỉ việc, về hưu hay đã chuyển công tác.
Có thể thấy, tặng quà là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc nhưng nét văn hóa này hiện nay ít nhiều đã bị biến tướng khi nhiều người lợi dụng các dịp lễ, Tết để biếu tặng những món quà có giá trị vật chất lớn cán bộ, công chức và để không bị coi là tham nhũng, cán bộ, công chức cần lưu ý các quy định nêu trên.