Chế độ Bảo hiểm y tế dành cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân mắc bệnh hiểm nghèo được quy định như thế nào?
Hiện nay, chưa có định nghĩa chính thức về bệnh hiểm nghèo. Theo đó, thuật ngữ này được giải thích trong nhiều văn bản khác nhau, như sau:
Căn cứ tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 140/2021/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc nêu rõ:
Người mắc bệnh hiểm nghèo là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: Ung thư giai đoạn cuối, bại liệt, phong hủi, lao đa kháng thuốc, xơ gan cổ trướng, suy tim độ III trở lên, suy thận độ IV trở lên, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS hoặc bệnh khác có văn bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên xác nhận là bệnh hiểm nghèo theo quy định của Bộ Y tế.
Song, theo khoản 4 Điều 8 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo quy định:
Mắc bệnh hiểm nghèo là trường bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên; HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao.
Một số bệnh hiểm nghèo thường gặp như là: ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong hủi, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS, suy tim, suy thận…
Vậy Cán bộ, chiến sĩ CAND mắc bệnh hiểm nghèo thì được hưởng chế độ BHYT như thế nào?
Theo Bộ Công an thì Chế độ bảo hiểm y tế đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân mắc bệnh hiểm nghèo được quy định như sau:
- Căn cứ tại Điều 11 Nghị định 70/2015/NĐ-CP ngày 01/9/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu thì cán bộ, chiến sĩ khi đi khám bệnh, chữa bệnh được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán đối với một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế.
+ Nếu đồng chí cán bộ, chiến sĩ đã được Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân cấp thẻ bảo hiểm y tế thì chi phí khám, chữa bệnh do Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định.
+ Nếu đồng chí cán bộ, chiến sĩ chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế thì chi phí khám bệnh, chữa bệnh của đồng chí do ngân sách Nhà nước đảm bảo theo quy định tại Thông tư 04/2008/TT-BCA(H11) ngày 17/3/2008 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện chế độ thanh toán tiền khám, chữa bệnh trong lực lượng Công an nhân dân.
- Trong thời gian nghỉ việc để điều trị bệnh (bao gồm cả nội trú và ngoại trú), cán bộ, chiến sĩ sẽ được hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH ngày 30/6/2016 của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10/5/2016 của Chính phủ về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân.
- Ngoài ra, nếu cán bộ, chiến sĩ đủ điều kiện thì sẽ được giải quyết hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH nêu trên (người lao động đã hưởng chế độ ốm đau từ đủ 30 ngày trở lên trong năm, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Thời gian và mức hưởng được thực hiện theo quy định tại Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội).