Cấm dịch vụ đòi nợ thuê từ 01/01/2021: Hướng dẫn cách đòi nợ đúng luật

Chủ đề   RSS   
  • #560588 17/10/2020

    hiesutran159
    Top 100
    Male
    Lớp 9

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:12/10/2020
    Tổng số bài viết (692)
    Số điểm: 11623
    Cảm ơn: 29
    Được cảm ơn 759 lần


    Cấm dịch vụ đòi nợ thuê từ 01/01/2021: Hướng dẫn cách đòi nợ đúng luật

    Đòi nợ đúng pháp luật

    Đòi nợ hợp pháp - Ảnh minh họa

    Vay, mượn tài sản là hình thức giao dịch phổ biến trong Dân sự, tuy nhiên không phải lúc nào việc vay mượn này cũng diễn ra suôn sẻ theo ý muốn của người cho vay. Theo quy định tại Luật đầu tư sửa đổi 2020 sắp có hiệu lực từ 1/1/2021, dịch vụ đòi nợ đã chính thức bị đưa vào danh sách cấm đầu tư, kinh doanh. Vậy phải thực hiện việc đòi nợ như thế nào để không trái với quy định của pháp luật?

    Dù trên thực tế có rất nhiều hình thức vay, mượn tài sản khác nhau nhưng về bản chất, việc cho vay tồn tại dưới dạng một hợp đồng (có thể tồn tại cả dưới dạng lời nói hoặc văn bản). Tại Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:

    “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

    Như vậy việc “hoàn trả” là bắt buộc đối với bên có nghĩa vụ trong hợp đồng vay.

    Kế đó, tại Điều 466 BLDS cũng quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay trường hợp bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

    Về lãi suất: Mức lãi suất tối đa khi vay tiền Xem TẠI ĐÂY

    Chiếu theo những quy định trên, điều đầu tiên giúp bảo vệ quyền lợi của người cho vay là thỏa thuận về lãi suất trong hợp đồng vay. Kế đến khi thời hạn thực hiện nghĩa vụ đã hết, nếu bên vay vẫn không thực hiện nghĩa vụ và bên cho vay không muốn kéo dài thời gian chậm trả, việc đòi nợ sẽ được thực hiện theo pháp luật Dân sự hoặc Hình sự như sau:

    Về dân sự:

    Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:

    Điều 186. Quyền khởi kiện vụ án

    Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

    Việc chậm trả của con nợ là căn cứ cho thấy quyền, lợi ích hợp pháp của người cho vay đã bị xâm phạm, theo đó có thể nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân quận, huyện nơi mình sinh sống. Trong hồ sơ cần nộp những căn cứ chứng minh mình có quyền hợp pháp với số tiền mà bên vay đang nợ.

    Đối với phương án này, người đòi nợ cần cân nhắc thời gian giải quyết tranh chấp có thể kéo dài qua các giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm, lúc này nếu phát hiện “con nợ” có dấu hiệu tẩu tán tài sản, khi khởi kiện tùy tình hình thực tế mà chủ nợ có thể yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc đồng thời các biện pháp sau:

    - Kê biên tài sản đang tranh chấp.

    - Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.

    - Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước.

    - Phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ.

    - Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ.

    Xem chi tiết trình tự giải quyết vụ, việc dân sự tại đây.

    Về hình sự:

    Nếu bên vay có hành vi gian dối ngay từ khi thực hiện giao dịch hoặc có hành vi tẩu tán tài sản, bỏ trốn… nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng khoản vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả nợ thì hành vi của người đó có dấu hiệu tội phạm về các tội tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như:

    - Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174)

    - Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175)

    Trong trường hợp này, người cho vay cần làm đơn tố giác gửi cơ quan điều tra, đề nghị điều tra, xử lý người vay đồng thời giải quyết vấn đề trả nợ vay theo Điều 30 BLTTHS 2015

    Trường hợp người vay không có ý định gian dối nhắm trốn tránh việc trả nợ mà vì lý do cá nhân chưa đủ khả năng trả thì chỉ cần làm đơn khởi kiện dân sự để tòa giải quyết theo yêu cầu.

    Xem chi tiết quy trình giải quyết vụ án hình sự tại đây.

    Sau khi bản án, quyết định Dân sự, Hình sự có hiệu lực thi hành, việc truy đòi tài sản đối với con nợ  tiến hành theo quy định tại Luật thi hành án dân sự hợp nhất 2018.

    Mời bạn đọc đóng góp thêm kinh nghiệm giải quyết của mình trong việc đòi nợ!

     
    8101 | Báo quản trị |  
    4 thành viên cảm ơn hiesutran159 vì bài viết hữu ích
    admin (24/12/2020) enychi (30/10/2020) kihlinbin@gmail.com (21/10/2020) ThanhLongLS (17/10/2020)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận