#ccc" align="justify">Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu!
#ccc" align="justify">Các bài viết không dấu sẽ bị xem là bài viết vi phạm!
Bài viết vi phạm sẽ bị xóa!
Quyền lực nhà nước và tư lợi là sự kết hợp giữa hai yếu tố tạo thành tham nhũng: Tác hại của hành vi tham nhũng rất to lớn, xâm hại trực tiếp đến tài sản của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong xã hội, kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, ảnh hưởng tới đạo đức cách mạng, văn hóa công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta nên chú trọng một số biện pháp phòng, chống tham nhũng sau:
Một: Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với công tác phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tăng cường công tác kiểm tra của Đảng, thanh tra của Nhà nước đối với đội ngũ đảng viên, cán bộ công chức. Xử lý thật nghiêm những vụ việc tham nhũng, xem đó là sự răn đe cho những kẻ lợi dụng chức vụ, quyền hạn mưu đồ lợi ích cá nhân. Thực tế cho thấy, việc xử lý kỷ luật Đảng, xử lý hành chính và xử lý hình sự đối với hành vi tham nhũng chưa nghiêm minh, còn bao che. Đây là vấn đề cần khắc phục trong công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Và nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là tư tưởng vị nể, là tình “đồng chí”, “đồng đội” trong các mối quan hệ giữa các Đảng viên, cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước. Đó là quan niệm của một nền văn hóa thuần Việt - trọng tình hơn trọng lý.
Hai: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật. Muốn công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả thì phải có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh theo các tiêu chí đồng bộ, toàn diện, khoa học và có tính khả thi cao. Bên cạnh đó, phải xây dựng ý thức chấp hành pháp luật tốt ở mọi cơ quan, tổ chức, nhân dân thì pháp luật sẽ thực sự có hiệu lực, trở thành công cụ sắc bén phục vụ quản lý nhà nước nói chung và phương thuốc hữu hiệu phòng ngừa các hành vi tham nhũng. Hiện nay, các quy định về phòng, chống tham nhũng còn nhiều bất cập và không được thực hiện nghiêm chỉnh. Ví dụ: việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức… Việc tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát, thực hiện còn rất mờ nhạt. Thực trạng này đã làm giảm hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng.
Ba: Đảng, Nhà nước phải xây dựng một cơ quan chuyên trách có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng và chủ động phối hợp sức mạnh của toàn thể xã hội trong phòng chống tham nhũng. Cơ quan này có thể trực thuộc Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Quy định chặt chẽ các điều kiện để trở thành thành viên của cơ quan phòng chống tham nhũng này. Cơ quan này sẽ thực hiện chức năng là cơ quan đầu mối trong công tác phòng chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.
Bốn: Đẩy nhanh tiến độ cải cách hành chính, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”. Thủ tục hành chính phải công khai, nhanh gọn, chính xác, giảm tối thiểu sự phiền hà cho nhân dân khi phải đến liên hệ, làm việc với cơ quan công quyền. Xây dựng chế độ chịu trách nhiệm của cán bộ, công chức rõ ràng, cụ thể, đặc biệt là trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo đối với những sai phạm, tiêu cực xảy ra trong cơ quan, đơn vị mình. Quan trọng hơn cả là chế độ cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức. Thu nhập của cán bộ, công chức phải đủ đảm bảo nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Nếu giải quyết tốt vấn đề này thì đây là một biện pháp cơ bản hạn chế hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu (tham nhũng vặt) của phần đông cán bộ, công chức cơ sở hiện nay đang gây bức xúc cho đại đa số nhân dân. Bên cạnh công cuộc cải cách hành chính hiện nay, vấn đề giáo dục phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên cũng hết sức quan trọng. Trong tác động của nền kinh tế thị trường, nhiều cán bộ, đảng viên do không tự giác rèn luyện, tu dưỡng đã chạy theo các lợi ích trước mắt dẫn đến vi phạm pháp luật, tham nhũng. Đạo đức cách mạng trong sáng bị chủ nghĩa thực dụng, cá nhân lấn át. Tình trạng cả nể, sợ hãi mà không dám đấu tranh đối với các hành vi tiêu cực cán bộ, công chức của cơ quan tổ chức mình, công tác xử lý cán bộ chưa nghiêm khắc, đúng mức.
Năm: Có các quy định cụ thể, phát huy hơn nữa vai trò của nhân dân trong việc giám sát các hoạt động của nhà nước. Từ đó, khuyến khích lực lượng đông đảo quần chúng nhân dân và báo chí tham gia vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiến tới xây dựng một xã hội thực sự của dân, do dân, vì dân, trong đó nguyên tắc dân chủ được phát huy trội hơn nguyên tắc tập trung.
Sáu: Nhanh chóng thiết lập chế độ quản lý tiền tệ và thanh toán qua hệ thống ngân hàng nhằm mục đích kiểm soát và minh bạch hóa thu nhập và tài sản của cán bộ, công chức. Từ đó thực hiện nghiêm, triệt để chế độ kê khai tài sản đối với cán bộ, công chức.