Nhờ các sư phụ, sư tỷ, sư huynh Dân Luật giải đáp giúp đệ thắc mắc này với:
Tại Khoản 4 Điều 154 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định rằng:
Điều 154. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực
Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây:
1. Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản;
2. Được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó;
3. Bị bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
4. Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành, văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực.
|
Tiếp, tại Khoản 2 Điều 38 Nghị định 34/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 nêu thêm:
Điều 38. Xác định hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật
…
2. Xác định văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực:
a) Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành các điều, khoản, điểm được giao quy định chi tiết thi hành văn bản đó đồng thời hết hiệu lực;
b) Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được quy định chi tiết hết hiệu lực một phần thì các nội dung quy định chi tiết phần hết hiệu lực của văn bản được quy định chi tiết sẽ hết hiệu lực đồng thời với phần hết hiệu lực của văn bản được quy định chi tiết. Trường hợp không thể xác định được nội dung hết hiệu lực của văn bản quy định chi tiết thi hành thì văn bản đó hết hiệu lực toàn bộ;
c) Trường hợp một văn bản quy định chi tiết nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó chỉ có một hoặc một số văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực thì nội dung của văn bản quy định chi tiết thi hành sẽ hết hiệu lực đồng thời với một hoặc một số văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực. Trường hợp không thể xác định được các nội dung hết hiệu lực của văn bản quy định chi tiết thi hành thì văn bản đó hết hiệu lực toàn bộ.
…
|
Thắc mắc ở cái chỗ có chữ “đồng thời” in đậm – màu đỏ như trong hình nêu trên, đó là thời điểm hết hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật cũng chính là thời điểm hết hiệu lực của văn bản hướng dẫn văn bản quy phạm pháp luật đó hay là văn bản hướng dẫn văn bản quy phạm pháp luật đó hết hiệu lực từ ngày 01/7/2016 (ngày mà Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 có hiệu lực)?
Lấy ví dụ cho các sư phụ, sư huynh, sư tỷ dễ hiểu:
Luật hôn nhân gia đình 2000 hết hiệu lực từ ngày 01/01/2015 (do bị Luật hôn nhân gia đình 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 thay thế)
Luật hôn nhân gia đình 2000 có các văn bản hướng dẫn như:
- Nghị quyết 35/2000/NQ-QH10 về việc thi hành Luật hôn nhân gia đình 2000
- Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP về việc áp dụng một số điều của Luật hôn nhân gia đình 2000
- Nghị định 70/2001/NĐ-CP hướng dẫn Luật hôn nhân gia đình 2000
…
Thì các văn bản hướng dẫn như Nghị quyết 35, Nghị quyết 02 và Nghị định 70 nêu trên sẽ hết hiệu lực từ ngày 01/01/2015 hay là từ ngày 01/7/2016?
Rất mong các sư phụ, sư huynh, sư tỷ chỉ giáo. Đệ xin đa tạ!
Cập nhật bởi shin_butchi ngày 16/07/2016 05:25:40 CH