Về vấn đề của anh mình thì mình có rà soát thì mình có một số quan điểm như sau:
Tại Điều 22 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 có nêu:
Điều 22. Nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
1. Nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được phân loại căn cứ vào đặc điểm, điều kiện lao động đặc trưng của mỗi nghề, công việc.
2. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sau khi có ý kiến của Bộ Y tế; quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động.
3. Người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào quy định trên, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Mặt khác, tại Thông tư 15/2016/TT-BLĐTBXH có nêu:
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Người lao động làm các nghề, công việc ban hành kèm theo Thông tư này và Quyết định số 1453/LĐTBXH-QĐ ngày 13 tháng 10 năm 1995, Quyết định số 915/LĐTBXH-QĐ ngày 30 tháng 7 năm 1996, Quyết định số 1629/LĐTBXH-QĐ ngày 26 tháng 12 năm 1996, Quyết định số 190/1999/QĐ-BLĐTBXH ngày 03 tháng 3 năm 1999, Quyết định số 1580/2000/QĐ-BLĐTBXH ngày 26 tháng 12 năm 2000, Quyết định số 1152/2003/QĐ-BLĐTBXH ngày 18 tháng 9 năm 2003, Thông tư số 36/2012/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì được hưởng các chế độ về bảo hộ lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội quy định tại Bộ luật lao động, Luật an toàn, vệ sinh lao động, Luật bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Người sử dụng lao động và các cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động làm các nghề, công việc quy định tại Khoản 1 Điều này được hưởng chế độ bảo hộ lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội quy định tại Bộ luật lao động, Luật an toàn, vệ sinh lao động, Luật bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành...
Theo quy định trên, khi người lao động làm các nghề, công việc thuộc danh mục đã ban hành thì đã được hưởng chế độ liên quan chứ không hề có quy định là cần phải xác định thêm các yếu tố lao động khác thì mới được hưởng các chế độ liên quan. Do đó, khi anh rà soát các danh mục công việc, nếu công việc của mình phù hợp lĩnh vực và miêu tả chi tiết công việc thì đã thuộc đối tượng hưởng chế độ bảo hộ lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội liên quan.
*Về câu hỏi thứ nhất, người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ dựa vào danh mục mà Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, đối chiếu với công việc thực tế của mình để xác định đơn vị có sử dụng lao động vào các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay không. Nếu có thì phải thực hiện các nghĩa vụ liên quan. Việc quan trắc qua bên thứ ba không phải là cơ sở để xác định người lao động có làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay không.
*Về câu hỏi thứ hai, tại Thông tư 15/2016/TT-BLĐTBXH Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành thì phần danh mục có nêu về "Tên nghề hoặc công việc" và "Đặc điểm về điều kiện lao động của nghề, công việc". Công ty sẽ xác định công việc của mình có phù hợp với tên và các đặc điểm được nêu hay không, tránh trường hợp tên gọi công việc không đúng thực tế. Ở đây, công ty phải biết trước người lao động của mình sẽ làm công việc gì và làm trong điều kiện nào trước khi tuyển dụng chứ không phải chờ người lao động yêu cầu thì mới xác nhận.
*Về câu hỏi thứ ba, một công việc được xem là thuộc danh mục khi cùng tên và thuộc các đặc điểm được nêu. Chứ hai công việc làm cùng điều kiện nhưng chưa chắc cả hai cùng là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Em lấy ví dụ tại danh mục của văn bản trên, với miêu tả công việc "Làm việc ngoài trời, trên sa mạc, công việc rất nặng nhọc, nguy hiểm, chịu tác động của ồn, rung, hóa chất" thì chỉ có thuộc lĩnh vực dầu khí và công việc Vận hành hệ thống thiết bị khoan dầu khí trên sa mạc thì mới được xem là ĐẶC BIỆT NẶNG NHỌC, ĐỘC HẠI, NGUY HIỂM.
Lưu ý thêm, việc quan trắc yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm nhằm mục đích xác định Điều kiện được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và mức bồi dưỡng theo Điều 2 Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH Hướng dẫn chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành:
Điều 2. Điều kiện được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và mức bồi dưỡng
1. Người lao động được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật khi có đủ các điều kiện sau:
a) Làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;
b) Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm.
Việc xác định các yếu tố quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này phải được thực hiện bởi đơn vị đủ điều kiện đo, kiểm tra môi trường lao động theo quy định của Bộ Y tế (sau đây gọi tắt là đơn vị đo, kiểm tra môi trường lao động).
Theo đó, nếu muốn hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật thì ngoài làm các nghề, công việc thuộc danh mục thì còn phải đáp ứng điều kiện là có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm - Tức là đáp ứng đồng thời hai điều kiện.
Các bạn xem mình trả lời cho anh mình vậy được không?