Theo quy định tại Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì khái niệm nhãn hiệu và nhãn hiệu được bảo hộ được định nghĩa như sau:
Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đồng thời đáp ứng hai điều kiện:
Dấu hiệu sử dụng làm nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được, có thể là dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ảnh ba chiều hoặc kết hợp các yếu tố trên, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.
Dấu hiệu đó có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.
Apple là thương hiệu toàn cầu, có công ty đại diện pháp lý tại Việt Nam. Chính vì vậy việc sử dụng nhãn hiệu "trái táo cắn dở" mà không được sự đồng ý của Apple là hành vi vi phạm luật sở hữu trí tuệ. Thực tế ở Việt Nam những năm gần đây, những cửa hàng điện thoại di động mọc lên như nấm sau mưa, nắm bắt được tâm lý chuộng Apple của giới trẻ ngày nay, nhiều cửa hàng điện thoại di động lấy luôn nhãn hiệu "táo cắn dở" đặt lên bảng hiệu của mình để thu hút người dùng.
Những ngày vừa qua, đại diện của Apple tại Việt Nam đã gửi nhiền công văn thông báo đến các cửa hàng yêu cầu các cửa hàng này tháo dỡ nhãn hiệu "táo cắn dở". Nhiều người đặt ra câu hỏi, vậy khi nào thì được dùng "táo cắn dở" gắn lên bảng hiệu của mình?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, người "nắm giữ" nhãn hiệu có quyền sử dụng hoặc cho người khác sử dụng nhãn hiệu của mình. Chính vì vậy, nếu các cửa hàng muốn giữ biểu tượng "táo cắn dở" để trên các bảng hiệu, pano... thì bắt buộc phải liên hệ và xin được cấp phép sử dụng nhãn hiệu với chủ sở hữu của nhãn hiệu đó, cụ thể ở đây là Apple. (Tôi không dám khẳng định là phải liên hệ với đại diện pháp lý của Apple tại Việt Nam bởi tôi không rõ đại diện pháp lý của Apple tại Việt Nam có thẩm quyền này từ công ty mẹ hay không.)
Ngoài ra, theo quy định tại Luật thương mại 2005 thì nhượng quyền thương mại cũng là một giải pháp pháp lý cho các cửa hàng để tránh trường hợp vi phạm luật sở hữu trí tuệ.
Theo quy định tại Điều 284 Luật thương mại 2005:
Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
Các cửa hàng kinh doanh điện thoại, sản phẩm của Apple sẽ là bên nhận quyền, tiến hành kinh doanh, tổ chức theo quy định của Apple, và đương nhiên những quy định về thương hiệu, nhãn hiệu cũng là một phần trong đó. Lúc này bạn có thể tự do sử dụng "táo cắn dở" phục vụ cho mục đích kinh doanh của mình.