Các tuyến xe buýt TPHCM dịp lễ Quốc khánh 2/9, Lễ Hội Nghinh Ông Cần Giờ 2024

Chủ đề   RSS   
  • #615614 24/08/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 543 lần
    SMod

    Các tuyến xe buýt TPHCM dịp lễ Quốc khánh 2/9, Lễ Hội Nghinh Ông Cần Giờ 2024

    Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP. Hồ Chí Minh đã thông báo kế hoạch điều chỉnh hoạt động xe buýt dịp lễ Quốc khánh 2/9 kéo dài từ 31/8 đến 3/9/2024, Lễ Hội Nghinh Ông Cần Giờ năm 2024 diễn ra từ ngày 16/9 đến hết ngày 18/9/2024.

    Các tuyến xe buýt TPHCM dịp lễ Quốc khánh 2/9, Lễ Hội Nghinh Ông Cần Giờ 2024

    Theo Kế hoạch 63/KH-TTQLGTCC ngày 20/8/2024, trong dịp lễ, các tuyến xe buýt tại TPHCM sẽ được điều chỉnh như sau:

    - Tăng chuyến: Các tuyến xe buýt tới Cần Giờ sẽ được bổ sung thêm chuyến để đáp ứng nhu cầu đi lại cao, đặc biệt là các tuyến số 77 và 90.

    - Giữ nguyên tần suất: Các tuyến xe buýt kết nối Sân bay Tân Sơn Nhất và bến xe Miền Tây sẽ hoạt động bình thường để phục vụ hành khách mà không thay đổi.

    - Giảm chuyến: Các tuyến phục vụ bến xe Miền Đông mới, cùng các bến xe liên tỉnh khác và những tuyến có đông học sinh, sinh viên sẽ giảm chuyến trong khoảng thời gian từ 1/9 đến 2/9/2024.

    - Ngưng hoạt động: Hai tuyến số 50 và 52 đến các trường đại học sẽ tạm ngừng hoạt động trong suốt kỳ nghỉ lễ.

    Tổng cộng, có 20 tuyến xe buýt sẽ được điều chỉnh, với 1.756 chuyến bị giảm và 98 chuyến được tăng cường, nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt và đáp ứng tốt nhất nhu cầu di chuyển của người dân.

    Xem chi tiết tại Kế hoạch 63/KH-TTQLGTCC ngày 20/8/2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn//uploads/danluatfile/2024/8/24/KH-xe-buyt.pdf

    Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định là gì?

    Theo khoản 5 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có các điểm dừng đón, trả khách và xe chạy theo biểu đồ vận hành với cự ly, phạm vi hoạt động nhất định, bao gồm tuyến xe buýt nội tỉnh và tuyến xe buýt liên tỉnh. Trong đó:

    - Tuyến xe buýt nội tỉnh là tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động trên địa bàn của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

    - Tuyến xe buýt liên tỉnh là tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động trên địa bàn của hai hoặc ba tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

    Như vậy, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định là việc các tuyến xe buýt dừng đón, trả khách trong cự ly và phạm vi hoạt động nhất định (hay còn gọi là các trạm xe buýt), gồm tuyến nội tỉnh và liên tỉnh.

    Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định là gì?

    Theo Điều 5 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định như sau:

    - Doanh nghiệp, hợp tác xã có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, trong đó có loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định thì được tham gia đấu thầu hoặc đặt hàng khai thác tuyến xe buýt trong danh mục mạng lưới tuyến đã công bố.

    - Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt:

    + Phải có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật, người cao tuổi và phụ nữ mang thai;

    + Phải có phù hiệu “XE BUÝT” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe;

    + Phải có sức chứa từ 17 chỗ trở lên. Vị trí, số chỗ ngồi, chỗ đứng cho hành khách và các quy định kỹ thuật khác đối với xe buýt theo quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Giao thông vận tải ban hành. Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt trên các tuyến có hành trình bắt buộc phải qua cầu có trọng tải cho phép tham gia giao thông từ 05 tấn trở xuống hoặc trên 50% lộ trình tuyến là đường từ cấp IV trở xuống (hoặc đường bộ đô thị có mặt cắt ngang từ 07 mét trở xuống) được sử dụng xe ô tô có sức chứa từ 12 đến dưới 17 chỗ.

    - Nội dung quản lý tuyến

    + Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung và công bố danh mục mạng lưới tuyến, biểu đồ chạy xe trên các tuyến, giá vé (đối với tuyến có trợ giá) và các chính sách hỗ trợ của nhà nước về khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn địa phương;

    + Quy định và tổ chức đấu thầu, đặt hàng khai thác tuyến xe buýt trong danh mục mạng lưới tuyến;

    + Xây dựng, bảo trì và quản lý kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động xe buýt; quyết định tiêu chí kỹ thuật, vị trí điểm đầu, điểm cuối và điểm dừng của tuyến xe buýt trên địa bàn địa phương;

    + Theo dõi, tổng hợp kết quả hoạt động vận tải của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên tuyến; thống kê sản lượng hành khách.

    - Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt thực hiện lưu trữ Lệnh vận chuyển của các chuyến xe đã thực hiện trong thời gian tối thiểu 03 năm.

    - Xe buýt được ưu tiên bố trí nơi dừng, đỗ để đón, trả khách tại các bến xe, nhà ga, sân bay, bến cảng, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, điểm tham quan du lịch, địa điểm văn hóa, thể thao, trung tâm thương mại, đầu mối giao thông và các địa điểm kết nối với các phương thức vận tải khác; được ưu tiên hoạt động khi tổ chức giao thông tại đô thị.

    Như vậy, khi kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt tuyến cố định thì phải đáp ứng các điều kiện về giấy phép, về cơ sở vật chất xe, về nội dung quản lý tuyến và các điểm dừng đón, trả khách,... theo quy định trên.

     
    405 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận