Khi điều khiển xe máy tham gia giao thông không phải lúc nào cũng được bật đèn, tắt đèn xe máy. Vậy, trường hợp nào phải bật đèn, tắt đèn xe máy? Vi phạm thì bị xử phạt bao nhiêu?
Các loại đèn xe máy hiện nay
Trước tiên, cần làm rõ về các loại đèn của xe máy. Hiện nay các xe máy đều được trang bị 2 đèn cơ bản là đèn pha (đèn chiếu xa) và đèn cos (đèn chiếu gần). Một số mẫu xe còn được trang bị thêm đèn định vị ban ngày hoặc có thêm đèn xin vượt (Passing).
Theo khoản 2 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ 2008 xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường như sau:
- Có đủ hệ thống hãm có hiệu lực;
- Có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực;
- Có đủ đèn chiếu sáng gần và xa, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu;
- Có bánh lốp đúng kích cỡ và đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại xe;
- Có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển;
- Có còi với âm lượng đúng quy chuẩn kỹ thuật;
- Có đủ bộ phận giảm thanh, giảm khói và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm khí thải, tiếng ồn theo quy chuẩn môi trường;
- Các kết cấu phải đủ độ bền và bảo đảm tính năng vận hành ổn định.
Như vậy, khi tham gia giao thông bắt buộc xe máy phải có đèn chiếu sáng gần và xa, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu.
Các trường hợp phải bật đèn, tắt đèn xe máy
Các trường hợp phải bật đèn xe máy
Theo Điều 27 Luật Giao thông đường bộ 2008 và theo điểm l, khoản 1 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển phương tiện bắt buộc phải bật đèn chiếu sáng trong một số trường hợp nhất định với thời gian tương ứng sau đây:
- Trường hợp chạy xe trong hầm đường bộ, buộc phải bật đèn chiếu sáng mà không cần quan tâm là mấy giờ.
- Trường hợp chạy xe trong điều kiện sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn, bắt buộc phải bật đèn chiếu sáng mà không cần quan tâm là mấy giờ.
- Trường hợp chạy xe trong điều kiện thời tiết bình thường, không thuộc trường hợp chạy xe trong hầm đường bộ thì bắt buộc phải bật đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19h hôm trước đến 5h hôm sau.
Các trường hợp phải tắt đèn xe máy
Hiện nay pháp luật không quy định các trường hợp phải tắt đèn chiếu gần (đèn cos) mà
chỉ quy định các trường hợp phải tắt đèn chiếu xa (đèn pha) tại khoản 12 Điều 8 và khoản 3 Điều 17 Luật Giao thông đường bộ 2008 như sau:
- Trường hợp sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư sẽ bị cấm, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.
- Trường hợp xe cơ giới đi ngược chiều gặp nhau cũng không được dùng đèn chiếu xa.
Như vậy, sẽ có 3 trường hợp luôn phải bật đèn và 2 trường hợp phải tắt đèn theo như đã phân tích. Khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe máy, người điều khiển cần nắm ký các quy định để không vi phạm và bị xử lý theo quy định pháp luật.
Không bật đèn, tắt đèn xe máy đúng quy định sẽ bị xử phạt thế nào?
Theo Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt mới nhất đối với các trường hợp không bật đèn, tắt đèn xe máy đúng quy định như sau:
- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với trường hợp::
+ Không sử dụng đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn;
+ Sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều;
+ Bấm còi trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định;
- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với trường hợp: Chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng gần.
Đồng thời, nếu vi phạm một trong các trường hợp trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng:
Như vậy, tuỳ theo trường hợp vi phạm mà người điều khiển xe máy không bật đèn, tắt đèn đúng quy định sẽ bị phạt từ 100 - 600 nghìn đồng và bị tước GPLX đến 4 tháng.