Các trường hợp nào bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế?

Chủ đề   RSS   
  • #603643 29/06/2023

    Các trường hợp nào bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế?

    Các trường hợp nào bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế? thẩm quyền và thủ tục chuyển giao theo quyết định bắt buộc.

    Sáng chế có thể hiểu là sản phẩm được sáng tạo bởi con người thông qua việc ứng dụng các quy luật của tự nhiên, từ đó cho thấy sáng chế là tài sản trí tuệ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội. Do đó, các quy định pháp luật về quyền sử dụng sáng chế hiện nay đang rất được quan tâm và chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc là một trong số đó. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ các vấn đề cơ bản đối với quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc.

    Theo đó, Chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc có thể hiểu là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định buộc chủ sở hữu sáng chế chuyển giao quyền của mình cho tổ chức, cá nhân khác, không cần sự đồng ý của chủ sở hữu sáng chế. Vì tính chất của nó nên việc chuyển giao này chỉ áp dụng trong một số trường hợp và thủ tục riêng biệt.

    1. Các trường hợp bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế.

    Căn cứ quy định tại Điều 145, Luật sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2022 thì quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không cần được sự đồng ý của người nắm độc quyền sử dụng sáng chế Trong các trường hợp sau đây:

    - Việc sử dụng sáng chế nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội;

    - Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thực hiện nghĩa vụ sử dụng sáng chế quy định tại khoản 1 Điều 136 và khoản 5 Điều 142 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sau khi kết thúc bốn năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký sáng chế và kết thúc ba năm kể từ ngày cấp Bằng độc quyền sáng chế;

    - Người có nhu cầu sử dụng sáng chế không đạt được thoả thuận với người nắm độc quyền sử dụng sáng chế về việc ký kết hợp đồng sử dụng sáng chế mặc dù trong một thời gian hợp lý đã cố gắng thương lượng với mức giá và các điều kiện thương mại thoả đáng;

    - Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh;

    - Việc sử dụng sáng chế nhằm đáp ứng nhu cầu về dược phẩm để phòng bệnh, chữa bệnh của quốc gia khác có đủ điều kiện nhập khẩu theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

    - Ngoài ra, chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện sau:

    + Quyền sử dụng được chuyển giao thuộc dạng không độc quyền;

    + Quyền sử dụng được chuyển giao chỉ được giới hạn trong phạm vi và thời hạn đủ để đáp ứng mục tiêu chuyển giao, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 145 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Đối với sáng chế trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn thì việc chuyển giao quyền sử dụng chỉ nhằm mục đích công cộng, phi thương mại hoặc nhằm xử lý hành vi hạn chế cạnh tranh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh;

    + Người được chuyển giao quyền sử dụng không được chuyển nhượng quyền đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng cùng với cơ sở kinh doanh của mình và không được chuyển giao quyền sử dụng thứ cấp cho người khác;

    + Người được chuyển giao quyền sử dụng phải trả cho người nắm độc quyền sử dụng sáng chế khoản tiền đền bù theo thỏa thuận, trường hợp không đạt được thỏa thuận thì thực hiện theo quy định của Chính phủ, trừ trường hợp quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc để nhập khẩu dược phẩm theo cơ chế của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và khoản tiền đền bù cho việc sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc đã được trả tại nước xuất khẩu;

    + Quyền sử dụng được chuyển giao chủ yếu để cung cấp cho thị trường trong nước, trừ trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 145 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

    2. Thẩm quyền chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc.

    Theo quy định tại Điều 147, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2022 quy định về thẩm quyền ban hành quyết định chuyển giao quyền sử dụng sáng chế như sau:

    - Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quyết định chuyển giao quyền sử dụng sáng chế trên cơ sở xem xét yêu cầu được chuyển giao quyền sử dụng đối với trường hợp người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thực hiện nghĩa vụ sử dụng sáng chế, c và d khoản 1 Điều 145, Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
    - Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành quyết định chuyển giao quyền sử dụng sáng chế thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình trong trường hợp quy định tại điểm a, đ, Khoản 1, Điều 145, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã được sửa đổi bổ sung năm 2022 trên cơ sở tham khảo ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ.

    3. Thủ tục chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc.

    Căn cứ theo Điều 25, Nghị định 103/2006/NĐ-CP được hướng dẫn bởi thông tư 01/2007/TT-BKHCN quy định về thủ tục chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc như sau:

    - Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết về hình thức, nội dung hồ sơ yêu cầu được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế quy định tại khoản 1 Điều 147 của Luật Sở hữu trí tuệ, trừ trường hợp do Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì; quy định và tổ chức thực hiện thủ tục tiếp nhận và xử lý yêu cầu được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế.

    - Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành, tổ chức thực hiện thủ tục bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế và sử dụng sáng chế nhân danh Nhà nước nhằm đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khoẻ và dinh dưỡng cho nhân dân.

    Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý lĩnh vực sáng chế có thẩm quyền ra quyết định yêu cầu chuyển giao quyền sử dụng sáng chế trong các trường hợp: Việc sử dụng sáng chế nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, nhằm đáp ứng nhu cầu về dược phẩm để phòng bệnh, chữa bệnh của quốc gia khác; Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm hoặc không thực hiện nghĩa vụ sử dụng sáng chế; Người có nhu cầu sử dụng sáng chế không đạt được thoả thuận với người nắm độc quyền sử dụng sáng chế. Theo thủ tục được quy định cụ thể tại Thông tư 01/2007/TT-BKHCN.

     
    630 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận