Cùng với việc quy định các chế tài nhằm ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hợp đồng, Điều 294, Luật Thương mại 2005 cũng quy định một số trường hợp, theo đó bên vi phạm không phải gánh chịu những hậu quả bất lợi do bị áp dụng các hình thức chế tài, đó là các trường hợp miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
Về bản chất, các trường hợp miễn trách nhiệm hợp đồng là những trường hợp loại trừ yếu tố lỗi của bên vi phạm. Cơ sở để miễn trách nhiệm cho bên vi phạm hợp đồng chính là ở chỗ họ không có lỗi khi không có khả năng lựa chọn xử sự nào khác ngoài việc không thực hiện, thực hiện không đúng hợp đồng. Do đó họ không phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
1. Xảy ra sự kiện bất khả kháng
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.(Điều 156 BLDS2015)
Quy định trên cho thấy, một sự kiện được coi là bất khả kháng với tính chất là căn cứ để miễn trách nhiệm hợp đồng phải thỏa mãn các điều kiện sau:
Xảy ra sau khi các bên đã giao kết hợp đồng và trong thời hạn hợp đồng; Có tính chất khách quan, bất thường mà các bên không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng biện pháp cần thiết; Là nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm hợp đồng.
Với cách hiểu như vậy, các trường hợp bất khả kháng thường gặp trong thực tế bao gồm: Thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh, sự đình công, sự thay đổi chính sách của Nhà nước.
2. Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận
Dựa trên tinh thần đề cao tính tự do trong hợp đồng thương mại, LTM 2005 quy định các bên được quyền thỏa thuận các trường hợp miễn trách nhiệm khi giao kết hợp đồng. Theo đó, thỏa thuận giữa các bên phải tồn tại trước khi xảy ra vi phạm và có hiệu lực đến thời điểm bên bị vi phạm áp dụng chế tài. Khi hợp đồng được giao kết bằng văn bản thì thỏa thuận miễn trách nhiệm được ghi nhận trong nội dung hoặc phụ lục hợp đồng. Khi hợp đồng được giao kết bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể thì thỏa thuận miễn trách nhiệm cũng có thể được thể hiện bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể.
3. Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia
Căn cứ miễn trách nhiệm trong trường hợp này là lỗi của bên bị vi phạm. Lỗi này có thể là hành động hoặc không hành động của bên vi phạm. Ngoài ra cũng có thể là một hành vi vi phạm hợp đồng của bên bị vi phạm, tức là cả hai bên đều có hành vi vi phạm hợp đồng.
4 Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Như vậy, xét về bản chất, hành vi này là hành vi vi phạm do sự kiện bất khả kháng về sự biến pháp lý. Miễn trách nhiệm chỉ được áp dụng khi hành vi vi phạm do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng. Quyết định của cơ quan nhà nước phải làm phát sinh nghĩa vụ của bên vi phạm, tức là phải thực hiện hoặc không thực hiện một hành vi nhất định nào đó dẫn tới hành vi vi phạm hợp đồng.
Cập nhật bởi HuongGiang0112 ngày 25/05/2018 11:12:12 SA