Các trường hợp bắt buộc phải lập hóa đơn?

Chủ đề   RSS   
  • #602813 25/05/2023

    Các trường hợp bắt buộc phải lập hóa đơn?

    Có bắt buộc lập hóa đơn điện tử với hàng hóa có giá trị thấp? Thời điểm ký hóa đơn được quy định như thế nào và có trường hợp ngoại lệ nào không cần lập hóa đơn không?
     
    Mua bán hàng hóa bắt buộc phải lập hóa đơn thời điểm lập hóa đơn khác với thời điểm ký có được?
     
    Căn cứ Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định các trường hợp phải xuất hóa đơn bao gồm
     
    - Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) 
     
    Đồng thời tại Khoản 9 Điều 10 Nghị định này có quy định thời điểm ký số trên hóa đơn điện tử là thời điểm người bán, người mua sử dụng chữ ký số để ký trên hóa đơn điện tử được hiển thị theo định dạng ngày, tháng, năm của năm dương lịch. Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có thời điểm ký số trên hóa đơn khác thời điểm lập hóa đơn thì thời điểm khai thuế là thời điểm lập hóa đơn.
     
    =>> Như vậy, đối với trường hợp mua bán hàng hóa hiện nay cho dù giá trị hàng hóa có nhỏ hơn 200.000 đồng thì vẫn phải xuất hóa đơn. Theo đó, được phép lập hóa đơn mà trong đó thời điểm lập hóa đơn và thời điểm ký số là khác nhau. Khi lập hóa đơn có thời điểm ký số khác với thời điểm lập thì phải kê khai thuế theo thời điểm lập hóa đơn.
     
    Những trường hợp đặc biệt không cần lập hóa đơn
     
    Căn cứ Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định những trường hợp không cần lập hóa đơn được phép lập bảng kê bao gồm:
     
    - Mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra;
     
    - Mua sản phẩm thủ công làm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, song, mây, rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công không kinh doanh trực tiếp bán ra;
     
    - Mua đất, đá, cát, sỏi của hộ, cá nhân tự khai thác trực tiếp bán ra;
     
    - Mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt;
     
    - Mua tài sản, dịch vụ của hộ, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra;
     
    - Mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm).
     
    Ngoài những trường hợp nêu trên thì tại Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC cũng có đề cập đến một số trường hợp không phải lập hóa đơn mà sẽ lập phiếu thu và phiếu chi bao gồm:
     
    - Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.
     
    - Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền.
     
    =>> Như vậy, đối với mua bán hàng hóa hiện nay việc lập hóa đơn là bắt buộc mà không phụ thuộc vào giá trị của hàng hóa. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ không cần lập hóa đơn mà vẫn phù hợp với quy định.
     
    3682 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận