1. Doanh nghiệp nhà nước là gì?
Trước đây, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.”
Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021) đã chính thức sửa đổi quy định trên, cụ thể: “Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 của Luật này.”
Có thể thấy, kể từ 01/01/2021 khái niệm về doanh nghiệp nhà nước đã được mở rộng hơn so với quy định cũ. Theo đó, những doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn) hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết (đối với công ty cổ phần) thì được xem là doanh nghiệp nhà nước.
2. Các loại hình doanh nghiệp nhà nước
Từ khái niệm nêu trên, doanh nghiệp nhà nước chỉ được tổ chức quản lý dưới 02 hình thức: công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, bao gồm:
(i) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; hoặc
(ii) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Trường hợp 1: Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bao gồm:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ công ty là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; hoặc
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Trường hợp 2: Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, bao gồm:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; hoặc
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Như vậy, doanh nghiệp nhà nước có thể là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; hoặc công ty cổ phần.
3. Cơ cấu tổ chức quản lý doanh nghiệp nhà nước
Đối với doanh nghiệp nhà nước là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định quản lý doanh nghiệp theo một trong hai mô hình:
(i) Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm soát; hoặc
(ii) Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm soát.
Đối với doanh nghiệp nhà nước là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần thì quyết định quản lý doanh nghiệp tuân theo các quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 đối với từng loại hình doanh nghiệp tương ứng./.