Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống bạo lực gia đình là những hành vi nào?

Chủ đề   RSS   
  • #607517 15/12/2023

    Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống bạo lực gia đình là những hành vi nào?

    Bạo lực gia đình gây ra nhiều hệ lụy và tác động đến nhiều đối tượng trong xã hội, đặc biệt là các nạn nhân bị bạo lực gia đình trực tiếp. Vậy hiện nay, các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống bạo lực gia đình là những hành vi nào?
     
    1.  Nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình
     
    Căn cứ Điều 4 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, phòng, chống bạo lực gia đình bao gồm những nguyên tắc sau:
     
    - Phòng ngừa là chính, lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm.
     
    - Tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có liên quan; bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em; ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình là phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; thực hiện bình đẳng giới.
     
    - Chú trọng hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình.
     
    - Hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình phải được kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em thì trong quá trình xử lý phải có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em hoặc người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em.
     
    - Nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và người đứng đầu; chú trọng phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình.
     
    - Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng.
     
    - Thực hiện trách nhiệm nêu gương trong phòng, chống bạo lực gia đình đối với cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
     
    2. Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống bạo lực gia đình
     
    Theo Điều 5 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống bạo lực gia đình bao gồm:
     
    - Hành vi bạo lực gia đình quy định tại Điều 3 của Luật này.
     
    - Kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng ép người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình.
     
    - Sử dụng, truyền bá thông tin, tài liệu, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động bạo lực gia đình.
     
    - Trả thù, đe dọa trả thù người giúp đỡ người bị bạo lực gia đình, người phát hiện, báo tin, tố giác, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.
     
    - Cản trở việc phát hiện, báo tin, tố giác, ngăn chặn và xử lý hành vi bạo lực gia đình.
     
    - Lợi dụng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình để thực hiện hành vi trái pháp luật.
     
    - Dung túng, bao che, không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi bạo lực gia đình.
     
    3. Chính sách của Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình
     
    Theo Điều 6 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, chính sách của Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như sau:
     
    - Nhà nước bố trí ngân sách để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình; ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
     
    - Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân viện trợ, tài trợ, tặng cho, đóng góp, hỗ trợ, ủng hộ, đầu tư kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất, nhu yếu phẩm cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình; hợp tác quốc tế về phòng, chống bạo lực gia đình; phát triển các mô hình tư vấn xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng ngừa bạo lực gia đình và hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; phát triển mạng lưới cộng tác viên dân số tham gia công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng.
     
    - Khuyến khích sáng tác văn học, nghệ thuật về phòng, chống bạo lực gia đình; ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin trong phòng, chống bạo lực gia đình.
     
    - Biểu dương, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong phòng, chống bạo lực gia đình; có chế độ hỗ trợ để bù đắp tổn hại về sức khỏe, tính mạng và thiệt hại về tài sản cho cá nhân tham gia phòng, chống bạo lực gia đình.
     
    - Hỗ trợ việc bồi dưỡng nâng cao năng lực đối với người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
     
    Như vậy, các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống bạo lực gia đình được quy định cụ thể tại Điều 5 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022. Muốn có một xã hội phát triển lành mạnh, trước hết từng gia đình phải phát triển bền vững, phải đẩy lùi được tình trạng bạo lực gia đình.
     
     
    429 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận