Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động viễn thông

Chủ đề   RSS   
  • #616056 06/09/2024

    Thuha0103

    Sơ sinh

    Vietnam
    Tham gia:19/04/2024
    Tổng số bài viết (46)
    Số điểm: 230
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 0 lần


    Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động viễn thông

    Luật Viễn thông 2023 quy định về hoạt động viễn thông; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông; quản lý nhà nước về viễn thông. 

    1. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động viễn thông

    Tại khoản 2 Điều 3 Luật Viễn thông 2023 thì Hoạt động viễn thông bao gồm đầu tư, kinh doanh dịch vụ viễn thông cơ bản, dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng, kinh doanh hàng hóa viễn thông; hoạt động viễn thông công ích; cấp, gia hạn, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép viễn thông; kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông; quản lý tài nguyên viễn thông; quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng và giá dịch vụ viễn thông; xây dựng công trình viễn thông.

    Trong đó, những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 9 Luật Viễn thông 2023, bao gồm:

    - Lợi dụng hoạt động viễn thông nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

    - Thu trộm, nghe trộm, xem trộm thông tin trên mạng viễn thông; trộm cắp, sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông, mật khẩu, khóa mật mã và thông tin riêng của tổ chức, cá nhân khác.

    - Cản trở trái pháp luật việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, gây rối, phá hoại việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, việc cung cấp và sử dụng hợp pháp các dịch vụ viễn thông.

    - Thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, cung cấp dịch vụ viễn thông khi chưa được phép thực hiện theo quy định của Luật Viễn thông 2023.

    - Sử dụng thiết bị, phần mềm gửi, truyền, nhận thông tin qua mạng viễn thông để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

    2. Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông

    Doanh nghiệp viễn thông bao gồm: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng và Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp được quy định tại Điều 13 Luật Viễn thông 2023 như sau:

    (1) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng có quyền:

    - Xây dựng, lắp đặt, sở hữu hệ thống thiết bị viễn thông và đường truyền dẫn trong phạm vi cơ sở và điểm phục vụ công cộng của mình để cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng dịch vụ viễn thông;

    - Thuê đường truyền dẫn để kết nối hệ thống thiết bị viễn thông, các cơ sở, điểm phục vụ công cộng của mình với nhau và với mạng viễn thông công cộng của doanh nghiệp viễn thông khác;

    - Thuê đường truyền dẫn hoặc mua lưu lượng, dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp viễn thông khác để bán lại cho người sử dụng dịch vụ viễn thông;

    - Cho doanh nghiệp viễn thông khác thuê lại cơ sở hạ tầng viễn thông mà mình đã thuê nếu được doanh nghiệp viễn thông cho thuê cơ sở hạ tầng viễn thông đồng ý;

    - Được phân bổ tài nguyên viễn thông theo quy định của Luật Viễn thông 2023 về quản lý tài nguyên viễn thông;

    - Nghiên cứu phát triển, triển khai thử nghiệm công nghệ mới, mô hình mới trong hoạt động viễn thông;

    - Quyền khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    (2) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng có nghĩa vụ:

    - Đóng góp tài chính vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam theo quy định của pháp luật;

    - Chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố; bảo đảm tính đúng, đủ, chính xác giá dịch vụ theo hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông;

    - Chịu sự kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin;

    - Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về hoạt động viễn thông của doanh nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; chịu trách nhiệm về tính chính xác, kịp thời của nội dung và số liệu báo cáo;

    - Thực hiện các biện pháp ngăn chặn kết nối, địa chỉ Internet, tên miền và các biện pháp ngăn chặn khác đối với hệ thống thiết bị viễn thông, dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông được sử dụng để thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Viễn thông 2023 khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

    - Có phương án sẵn sàng kết nối kỹ thuật phục vụ việc báo cáo số liệu bằng phương tiện điện tử đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về viễn thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;

    - Thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về huy động một phần hoặc toàn bộ cơ sở hạ tầng viễn thông, dịch vụ viễn thông trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh quốc gia, tình trạng khẩn cấp;

    - Bảo đảm cho thuê bao viễn thông được giữ nguyên số thuê bao viễn thông khi thay đổi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trong cùng một loại hình dịch vụ viễn thông;

    - Cung cấp dịch vụ cho người sử dụng dịch vụ viễn thông có thông tin thuê bao viễn thông đầy đủ, trùng khớp với thông tin trên giấy tờ tùy thân đã xuất trình khi giao kết hợp đồng theo quy định của pháp luật;

    - Thực hiện xác thực, lưu giữ, sử dụng thông tin thuê bao viễn thông và xử lý SIM có thông tin thuê bao viễn thông không đầy đủ, không chính xác;

    - Phòng, chống, ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi vi phạm pháp luật theo quy định của Chính phủ;

    - Ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông đối với thuê bao viễn thông vi phạm pháp luật về viễn thông;

    - Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    (3) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng có quyền:

    - Các quyền quy định tại (1);

    - Được ưu tiên sử dụng không gian, mặt đất, lòng đất, đáy sông, đáy biển, đất sử dụng vào mục đích công cộng để xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông theo quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy định của pháp luật có liên quan;

    - Cho doanh nghiệp viễn thông khác thuê cơ sở hạ tầng viễn thông;

    - Tham gia thực hiện cung cấp dịch vụ viễn thông công ích.

     (3) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng có nghĩa vụ:

    - Các nghĩa vụ quy định tại (2);

    - Cho doanh nghiệp viễn thông khác thuê hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động khi phù hợp với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động và khả thi về kinh tế, kỹ thuật;

    - Thu hồi, tháo dỡ công trình viễn thông thuộc quyền sở hữu, quản lý có dấu hiệu nguy hiểm, không bảo đảm an toàn cho khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng;

    - Hạ ngầm, chỉnh trang đường cáp viễn thông.

    Luật Viễn thông 2023 quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động viễn thông, nhấn mạnh việc bảo vệ an ninh quốc gia, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân, và cấm các hành vi như nghe trộm, cản trở hoặc phá hoại cơ sở hạ tầng viễn thông. Đồng thời, Luật cũng đặt ra quyền và nghĩa vụ cho các doanh nghiệp viễn thông, nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ, tuân thủ quy định về an toàn, an ninh thông tin và hỗ trợ quản lý nhà nước. Doanh nghiệp có hạ tầng mạng hoặc không có hạ tầng mạng đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định nhằm duy trì một môi trường viễn thông an toàn và bền vững.

     
    59 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận