Các biện pháp đánh giá rủi ro sức khoẻ khi tái sử dụng nguồn nước không dùng cho mục đích uống

Chủ đề   RSS   
  • #611036 26/04/2024

    motchutmoingay24
    Top 500
    Lớp 1

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (239)
    Số điểm: 2821
    Cảm ơn: 14
    Được cảm ơn 51 lần


    Các biện pháp đánh giá rủi ro sức khoẻ khi tái sử dụng nguồn nước không dùng cho mục đích uống

    Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 13246:2020 ISO 20426:2018 là tiêu chuẩn hướng dẫn quản lý và đánh giá rủi ro về sức khỏe trong việc tái sử dụng nguồn nước không dùng cho mục uống.

    (1) TCVN 13246:2020 ra đời nhằm mục đích gì?

    Ngày nay, khi nhiều khu vực trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước uống, việc tái sử dụng nước thải có thể cung cấp một nguồn nước thay thế phù hợp để đáp ứng phần lớn nhu cầu về nước, ngoại trừ việc uống và nấu nướng đòi hỏi chất lượng nước cao hơn.

    Bên cạnh đó, khi các hoạt động tái sử dụng nước ngày càng gia tăng đang làm dấy lên những lo ngại về tác động tiềm ẩn đối với sức khỏe trên toàn thế giới.

    Do đó, Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 13246:2020 ra đời nhằm tiêu chuẩn hóa trong việc xác định các thông số chất lượng nước phù hợp, hướng dẫn quản lý và đánh giá rủi ro về sức khỏe khi tái sử dụng nguồn nước không dùng cho mục đích uống.

    TCVN 13246:2020 hoàn toàn tương đương với ISO 20426:2018.

    (2) Khuôn khổ quản lý và đánh giá rủi ro

    Nước tái tạo có khả năng chứa các mối nguy có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Mục tiêu của quá trình đánh giá và quản lý rủi ro là ước tính và giảm rủi ro của các tác động bất lợi xuống tới mức xã hội và cộng đồng địa phương có thể chấp nhận được

    Khuôn khổ chung về đánh giá và quân lý rủi ro về sức khỏe đối với việc tái sử dụng nước không dùng cho mục đích uống được thể hiện trong hình dưới đây

    Khuôn khổ quản lí rủi ro bao gồm bốn yêu cầu:

    1. Sử dụng có trách nhiệm nước tái tạo: Có sự tham gia của các cơ quan có chuyên môn về cấp nước, quản lý nước thải và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

    2. Yêu cầu pháp lý và chính thức: Xác định tất cả các quy định, hướng dẫn liên quan và các yêu cầu của địa phương.

    3. Quan hệ đối tác và sự tham gia của các bên liên quan: Xác định tất cả các cơ quan có trách nhiệm và tất cả các bên liên quan ảnh hưởng đến các hoạt động tái sử dụng nước.

    4. Chính sách nước tái tạo: Xây dựng chính sách nước tái tạo, các giấy phép và hợp đồng cụ thể với người sử dụng cuối cùng.

    Khuôn khổ quản lý rủi ro được sử dụng để xây dựng kế hoạch quản lý, mô tả cách thức vận hành, quan trắc và quản lý hệ thống tái tạo nước. Khuôn khổ này thường được biên soạn xây dựng bởi một nhóm, bao gồm đại diện từ các lĩnh vực khác nhau, có đủ kiến thức và chuyên môn. Các bên liên quan khác như công chúng cũng được mời tham gia nếu cần thiết.

    (3) Các biện pháp quản lý rủi ro về sức khỏe

    Tổng quan về các phương pháp tiếp cận quản lý và đánh giá rủi ro được trình bày trong hình ở mục (2), do đó tiêu chuẩn này chỉ tập trung vào vấn đề đưa ra các biện pháp giảm thiểu rủi ro sức khỏe liên quan đến chất lượng nước. Việc đánh giá rủi ro chia thành 05 bước như sau:

    Bước 1 - Đánh giá mức độ rủi ro: 

    Rủi ro vốn có lớn nhất của một mối nguy và/hoặc sự kiện nguy hại cụ thể được đánh giá cho mục đích sử dụng cuối cùng và nguồn nước thải cụ thể, trong suốt quá trình đánh giá rủi ro. Nếu mục tiêu được đánh giá là rủi ro "thấp" hoặc "rất thấp" thì không cần cung cấp các biện pháp kiểm soát để giảm rủi ro sức khỏe.

    Bước 2 - Bổ sung biện pháp kiểm soát rủi ro: 

    Nếu mục tiêu được phân loại ở cấp độ rủi ro “trung bình” hoặc cao hơn, thì cần tiến hành xem xét bổ sung các biện pháp kiểm soát rủi ro (phòng ngừa). Các biện pháp kiểm soát rủi ro toàn diện từ đầu nguồn đến điểm sử dụng cuối cùng bao gồm:

    - Kiểm soát nguồn để ngăn chặn các nguy cơ xâm nhập vào hệ thống tái sử dụng nước;

    - Kiểm soát xử lý để loại bỏ các nguy cơ từ nước nguồn;

    - Kiểm soát việc sử dụng cuối cùng để giảm nguy cơ tiếp xúc tại điểm sử dụng.

    Trong các hệ thống tái sử dụng nước không dùng cho mục đích uống, các biện pháp kiểm soát xử lý và kiểm soát sử dụng cuối cùng thường được kết hợp để cung cấp nước tái tạo có chất lượng an toàn sử dụng cho các mục đích tái sử dụng cụ thể.

    Các biện pháp kiểm soát rủi ro sẽ đạt hiệu quả càng cao khi chúng được thực hiện càng gần tình huống của các mối nguy hoặc sự kiện nguy hại. Việc lựa chọn các biện pháp kiểm soát rủi ro cần dựa trên các tiêu chí sau:

    - Chi phí;

    - Mục đích sử dụng và tiếp cận công cộng;

    - Các cơ sở xử lý hiện có;

    - Đất sẵn có;

    - Chuyên môn kỹ thuật.

    Các biện pháp kiểm soát kết quả hoạt động (ví dụ: loại bỏ) cũng là một tiêu chí lựa chọn.

    Bước 3 - Đánh giá lại mức độ rủi ro: 

    Rủi ro sức khỏe liên quan đến chất gây ô nhiễm mục tiêu được đánh giá lại bằng các biện pháp kiểm soát được xác định trong Bước 2. 

    Nếu phân loại rủi ro có kết quả là "trung bình" hoặc cao hơn, thì các biện pháp kiểm soát rủi ro bổ sung/thay thế cần được xác định, xem xét và thực hiện cho đến khi mối nguy hoặc sự kiện nguy hại mục tiêu được đánh giá ở mức "thấp" hoặc "rất thấp".

    Phương pháp tiếp cận nhiều rào cản, với nhiều biện pháp kiểm soát rủi ro có thể làm giảm đáng kể mức độ rủi ro. Việc áp dụng phương pháp tiếp cận nhiều rào cản cung cấp khả năng quản lý rủi ro đáng tin cậy hơn, với kết quả hoạt động ít thay đổi hơn so với phương pháp một rào cản duy nhất.

    Bước 4 - Quan trắc: 

    Việc quan trắc các dự án tái sử dụng nước là cần thiết để đảm bảo nước tái tạo có chất lượng an toàn được cung cấp cho người sử dụng cuối cùng mà không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

    Bước 5 - Yêu cầu hỗ trợ

    Tất cả các cá nhân có liên quan đến chương trình tái tạo nước (ví dụ: người vận hành và người sử dụng cuối cùng) cần được đào tạo thích hợp để đạt được đủ kiến thức chuyên sâu và kỹ năng. 

    Đào tạo sẽ nâng cao khả năng tuân thủ các biện pháp kiểm soát rủi ro đã xác định trong kế hoạch quản lý rủi ro. 

    Xây dựng hệ thống tài liệu, bao gồm báo cáo thường xuyên, là một thành phần thiết yếu của việc vận hành các chương trình tái tạo nước. 

    Các báo cáo bao gồm chất lượng nước, các thông số vận hành và báo cáo sự cố là bằng chứng về việc tuân thủ kế hoạch quản lý rủi ro. Mỗi chu kỳ nhất định cần thực hiện một cuộc đánh giá. Các báo cáo này cũng cho phép đánh giá kết quả hoạt động của chương trình hiện có và lập kế hoạch cải tiến liên tục.

    (4) Kết luận

    Tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với nước tái tạo có thể có ảnh hưởng đến sức khỏe của các cá nhân, cho dù họ có phải là người sử dụng nước tái tạo hay không. Rủi ro về sức khỏe cũng có thể xuất hiện trong quá trình vận hành và/hoặc khi bảo trì các cơ sở và quy trình.

    TCVN 13246:2020 đã tiêu chuẩn hóa các thông số, đưa ra các hướng dẫn và bộ khung khuôn khổ quản lý đánh giá rủi ro để áp dụng vào các hoạt động tái sử dụng nguồn nước không dùng cho mục đích uống được diễn ra theo đúng trình tự, quy trình, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sử dụng cuối và cho các nhân viên khi vận hành/ bảo trì cơ sở tái sử dụng nguồn nước.

     
    20 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận