Trong tình hình môi trường đang thay đổi từng ngày từng giờ như hiện nay thì việc thực hiện ứng phó đối với thiên tai cụ thể là những việc như cảnh báo và xử lý khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới thì cơ quan chức năng sẽ phải thực hiện những gì?
Trong ứng phó thiên tai việc cảnh báo thiên tai sẽ được diễn ra như thế nào?
Căn cứ tại Điều 24 Luật Phòng chống thiên tai 2013, được sửa đổi bởi điểm a, điểm c khoản 14 Điều 1 Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020 có quy định về việc dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai như sau:
- Thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai phải kịp thời, đủ độ tin cậy, phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng được chuyển tải bằng Tiếng Việt, đặc biệt quan tâm đến đối tượng dễ bị tổn thương và trong trường hợp cần thiết được chuyển tải bằng tiếng dân tộc thiểu số.
- Nội dung chính của bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai bao gồm:
+ Bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai về khí tượng, thủy văn, hải văn phải bảo đảm thông tin về loại thiên tai, cường độ, cấp độ rủi ro thiên tai, vị trí, tọa độ hiện tại và dự báo diễn biến;
+ Bản tin báo tin động đất và dự báo, cảnh báo sóng thần phải bảo đảm thông tin về vị trí, cường độ, cấp độ rủi ro thiên tai và mức độ gây ảnh hưởng của động đất; dự báo vị trí xuất phát, khả năng, độ cao, cấp độ rủi ro thiên tai, hướng di chuyển và khu vực ảnh hưởng của sóng thần.
+ Bản tin dự báo, cảnh báo cháy rừng do tự nhiên phải bảo đảm thông tin về khu vực, loại rừng, diện tích, cấp độ rủi ro cháy.
Như vậy, trong ứng phó thiên tai việc cảnh báo thiên tai sẽ được thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai phải kịp thời, đủ độ tin cậy, phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng được chuyển tải bằng Tiếng Việt, đặc biệt quan tâm đến đối tượng dễ bị tổn thương và trong trường hợp cần thiết được chuyển tải bằng tiếng dân tộc thiểu số.
Phương án ứng phó thiên tai được xây dựng căn cứ nào và có những nội dung ra sao?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 22 Luật Phòng chống thiên tai 2013 thì phương án ứng phó thiên tai cũng như những nội dung của việc ứng phó sẽ được thực hiện như sau:
- Phương án ứng phó thiên tai được xây dựng dựa trên các căn cứ sau đây:
+ Các loại thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai có khả năng xảy ra tại địa phương và lĩnh vực quản lý;
+ Năng lực ứng phó thiên tai của tổ chức, cá nhân;
+ Khả năng phối hợp và hỗ trợ của các lực lượng và chính quyền các cấp.
- Phương án ứng phó thiên tai bao gồm các nội dung chính sau đây:
+ Bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai và công trình trọng điểm;
+ Sơ tán, bảo vệ người, tài sản, bảo vệ sản xuất;
+ Bảo đảm an ninh trật tự, giao thông, thông tin liên lạc;
+ Phối hợp chỉ đạo, chỉ huy phòng tránh, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
+ Nguồn nhân lực ứng phó thiên tai;
+ Dự trữ vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm.
- Phương án ứng phó thiên tai được xây dựng ở địa phương, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức khác; phương án ứng phó thiên tai được rà soát, điều chỉnh, bổ sung hằng năm.
Như vậy, phương án ứng phó thiên tai sẽ được xây dựng trên căn cứ và đảm bảo các nội dung nêu trên.
Các biện pháp cơ bản để ứng phó thiên tai đối với bão và áp thấp nhiệt đới bao gồm những gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Phòng chống thiên tai 2013 sửa đổi, bổ sung bởi khoản 24 Điều 1 Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020 như sau:
Căn cứ vào loại thiên tai, cấp độ rủi ro thiên tai xảy ra, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp quyết định lựa chọn một hoặc một số biện pháp phù hợp sau đây:
- Biện pháp cơ bản ứng phó đối với bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, nước dâng, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy được quy định như sau:
+ Sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không bảo đảm an toàn; tập trung triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho người, đặc biệt đối tượng dễ bị tổn thương trong tình huống thiên tai khẩn cấp;
+ Di chuyển tàu thuyền, phương tiện nuôi trồng thuỷ sản trên biển, ven biển, trên sông ra khỏi khu vực nguy hiểm; tổ chức kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu hoặc thực hiện biện pháp khác để bảo đảm an toàn;
+ Thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn đối với nhà cửa, công sở, bệnh viện, trường học, kho tàng, công trình và cơ sở kinh tế, an ninh, quốc phòng;
+ Chủ động thực hiện biện pháp bảo vệ sản xuất;
+ Kiểm tra, phát hiện và xử lý sự cố công trình phòng, chống thiên tai, công trình trọng điểm về kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng;
+ Giám sát, hướng dẫn và chủ động thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm trên sông, trên biển, khu vực và tuyến đường bị ngập sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy và khu vực nguy hiểm khác;
+ Bảo đảm giao thông và thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai;
+ Thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu chữa người bị thương, hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm khác tại khu vực bị chia cắt, khu vực ngập lụt nghiêm trọng và địa điểm sơ tán;
+ Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân tại khu vực xảy ra thiên tai;
+ Huy động khẩn cấp và tuân thủ quyết định chỉ đạo, huy động khẩn cấp về nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để kịp thời ứng phó với thiên tai.
Như vậy, biện pháp cơ bản ứng phó đối với bão, áp thấp nhiệt đới sẽ thực hiện như quy định trên về từng biện pháp cụ thể nêu trên.
Từ những căn cứ nêu trên, việc ứng phó thiên tai đối với bão và áp thấp nhiệt đới phải được thực hiện kịp thời và nhanh chóng nhằm đảm bảo ứng phó được thiên tai tránh gây thiệt hại về người và của