Bồi thường thiệt hại trong pháp luật thương mại được quy định như thế nào? Các bên trong hợp đồng thương mại có được thỏa thuận trước về mức bồi thường thiệt hại hay không?
Bồi thường thiệt hại là một chế tài được áp dụng phổ biến và thường xuyên trong hợp đồng thương mại, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khi tham gia vào hợp hợp đồng thương mại. Đồng thời, đây là chế tài có mục đích đền bù và đề cao ý thức, trách nhiệm của mỗi bên trong việc thực thi các nghĩa vụ của mình trong hợp đồng, hướng đến việc hợp đồng được thực thi trong thực tế, nếu không thì bên vi phạm phải gánh chịu hậu quả tương ứng (một là thực hiện theo đúng nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng, hai là phải bồi thường thiệt hại tương ứng do hậu quả của việc vi phạm hợp đồng gây ra. Đối với các nước theo truyền thống Thông luật, sẽ được biết đến với nguyên tắc “vi phạm hợp đồng hiệu quả”). Đứng dưới góc độ phân tích luật học, chế tài bồi thường thiệt hại là một chế tài mang tính tài sản có yếu tố đền bù/khắc phục, việc bồi thường thiệt hại chính là bồi thường những tổn thất thực tế bị mất mát do hành vi vi phạm của một bên trong hợp đồng gây ra.
Điều 302 Luật Thương mại 2005 có quy định về chế tài bồi thường thiệt hại như sau:
“Điều 302. Bồi thường thiệt hại
1. Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.
2. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm”.
Theo quy định trên, chế tài bồi thường thiệt hại được áp dụng trong trường hợp phát sinh “những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm”, với nội dung trên thì thiệt hại được bồi thường sẽ được xác định dựa trên những thiệt hại thực tế mà bên bị thiệt hại phải gánh chịu do hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm gây ra. Hay nói cách khác, về mặt lý thuyết, bồi thường thiệt hại khi được áp dụng theo nguyên tắc “toàn bộ” và “kịp thời” nhằm bù đắp thiệt hại thực tế mà bên bị vi phạm gánh chịu.
Đề làm rõ cho nội dung trách nhiệm trên, Điều 303 Luật Thương mại 2005 có đưa ra quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Cụ thể:
“Điều 303. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:
1. Có hành vi vi phạm hợp đồng;
2. Có thiệt hại thực tế;
3. Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại”.
Như vậy, điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại là “Có thiệt hại thực tế”. Bên cạnh đó, theo Điều 305 Luật Thương mại 2005, để có thể áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại, bên bị vi phạm phải chứng minh được tổn thất do hành vi vi phạm gây ra.
“Điều 304. Nghĩa vụ chứng minh tổn thất
Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm”.
Tóm lại, bồi thường thiệt hại theo Luật Thương mại 2005 sẽ được tiếp cận dựa trên nguyên tắc trực tiếp, thực tế và gắn liền với nghĩa vụ chứng minh của bên bị vi phạm. Hay nói cách khác, thiệt hại được bồi thường sẽ dựa trên thiệt hại thực tế phát sinh, nếu thực tế không phát sinh thiệt hại hoặc bên vi phạm không chứng minh được thiệt hại thì sẽ không phát sinh chế tài này.