Cá nhân là người dân tộc thiểu số được hỗ trợ gì về đất đai?

Chủ đề   RSS   
  • #615635 24/08/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 27652
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 575 lần
    SMod

    Cá nhân là người dân tộc thiểu số được hỗ trợ gì về đất đai?

    Cá nhân là người dân tộc thiểu số được hỗ trợ gì về đất đai? Quỹ đất hỗ trợ cá nhân người dân tộc thiểu số được quy định thế nào? Nhóm đất nông nghiệp gồm các loại đất nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

    (1) Cá nhân là người dân tộc thiểu số được hỗ trợ gì về đất đai?

    Căn cứ Khoản 1 Điều 8 Nghị định 102/2024/NĐ-CP có quy định về việc hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số quy định tại khoản 3 Điều 16 Luật Đất đai 2024 như sau:

    - Trường hợp không còn đất ở thì được giao đất ở hoặc được chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác sang đất ở; người sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích trong hạn mức giao đất ở theo quy định của UBND cấp tỉnh.

    Trường hợp thiếu đất ở so với hạn mức giao đất ở thì được chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác sang đất ở và được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích trong hạn mức giao đất ở;

    - Trường hợp không còn đất nông nghiệp hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% diện tích đất so với hạn mức giao đất nông nghiệp của địa phương thì được giao tiếp đất nông nghiệp trong hạn mức.

    Theo đó, hiện nay, việc hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng nay không còn đất hoặc thiếu đất so với hạn mức mà thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện theo quy định như đã nêu trên

    (2) Quỹ đất hỗ trợ cá nhân người dân tộc thiểu số được quy định như thế nào?

    Căn cứ khoản 4 điều 16 Luật Đất đai 2024 có quy định về việc bố trí quỹ đất để hỗ trợ sinh hoạt cộng đồng và hỗ trợ cá nhân người dân tộc thiểu số như sau:

    - Đất để thực hiện chính sách hỗ trợ được bố trí từ quỹ đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý hoặc từ quỹ đất thu hồi theo quy định.

    - UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế và quỹ đất của địa phương quyết định diện tích giao đất, cho thuê đất để thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số theo quy định.

    - UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp ban hành chính sách của địa phương về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và tổ chức thực hiện.

    - Hằng năm, UBND cấp xã rà soát, báo cáo UBND cấp huyện về các trường hợp không còn, thiếu hoặc không có đất để giao đất, cho thuê đất theo quy định; các trường hợp vi phạm chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định mà không còn nhu cầu sử dụng đất mà phải thu hồi đất để tiếp tục thực hiện chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

    Theo đó, hiện nay, quỹ đất hỗ trợ cá nhân người dân tộc thiểu số được thực hiện theo quy định như đã nêu trên.

    (3) Nhóm đất nông nghiệp gồm các loại đất nào?

    Theo quy định Điều 9 Luật Đất đai 2024 được hướng dẫn bởi Nghị định 102/2024/NĐ-CP có quy định về nhóm đất nông nghiệp gồm các loại đất như sau:

    - Đất trồng cây hằng năm là đất trồng các loại cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời gian không quá một năm, kể cả cây hằng năm được lưu gốc. Đất trồng cây hằng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác, cụ thể như sau:

    + Đất trồng lúa là đất trồng từ một vụ lúa trở lên hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác được pháp luật cho phép nhưng trồng lúa là chính. Đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại, trong đó đất chuyên trồng lúa là đất trồng từ 02 vụ lúa trở lên.

    + Đất trồng cây hằng năm khác là đất trồng các cây hằng năm không phải là trồng lúa.

    - Đất trồng cây lâu năm là đất sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được gieo trồng một lần, sinh trưởng trong nhiều năm và cho thu hoạch một hoặc nhiều lần.

    - Đất lâm nghiệp là loại đất sử dụng vào mục đích quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, được phân loại cụ thể như sau:

    + Đất rừng đặc dụng là đất mà trên đó có rừng đặc dụng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đã được giao để phát triển rừng đặc dụng;

    + Đất rừng phòng hộ là đất mà trên đó có rừng phòng hộ theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đã được giao để phát triển rừng phòng hộ;

    + Đất rừng sản xuất là đất mà trên đó có rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đã được giao, cho thuê, chuyển mục đích để phát triển rừng sản xuất.

    - Đất nuôi trồng thủy sản là đất sử dụng chuyên vào mục đích nuôi, trồng thủy sản.

    -. Đất chăn nuôi tập trung là đất xây dựng trang trại chăn nuôi tập trung tại khu vực riêng biệt theo quy định của pháp luật về chăn nuôi.

    - Đất làm muối là đất sử dụng vào mục đích sản xuất muối từ nước biển.

    - Đất nông nghiệp khác, bao gồm:

    + Đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm, thực nghiệm.

    + Đất xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, chăn nuôi kể cả các hình thức trồng trọt, chăn nuôi không trực tiếp trên đất.

    + Đất xây dựng công trình gắn liền với khu sản xuất nông nghiệp gồm đất xây dựng nhà nghỉ, lán, trại để phục vụ cho người lao động; đất xây dựng công trình để bảo quản nông sản, chứa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ và các công trình phụ trợ khác.

    Theo đó, hiện nay, trong nhóm đất nông nghiệp có những loại đất như đã nêu trên.

     
    85 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận