Pháp luật Việt Nam quy định cá nhân có quyền có họ, tên và có quyền thay đổi họ, tên của mình. Trên thực tế, nhiều người có yêu cầu thay đổi tên cho con hoặc cho chính mình tuy nhiên, không phải yêu cầu nào cũng được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận. Theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Dân sự 2015, thì cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong 6 trường hợp sau đây:
1. Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
2. Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;
3. Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;
4. Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
5. Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;
6. Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;
Và một số trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định, cá nhân cũng có quyền thay đổi tên.
Đối với việc thay đổi tên cho con, cần lưu ý việc thay đổi tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.
Như vậy, chỉ khi thuộc những trường hợp nêu trên, cá nhân mới có quyền thay đổi tên của mình. Và việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ.