"Buôn gian bán lận" là gì? Hành vi lừa dối khách hàng bị xử phạt như thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #613479 29/06/2024

    HoangThuy071002

    Sơ sinh

    Vietnam
    Tham gia:22/03/2024
    Tổng số bài viết (9)
    Số điểm: 45
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 0 lần


    "Buôn gian bán lận" là gì? Hành vi lừa dối khách hàng bị xử phạt như thế nào?

    "Buôn gian bán lận" là gì?

    "Buôn gian bán lận" là câu tục ngữ của người Việt Nam nhằm chỉ hành vi gian lận trong hoạt động thương mại, mua bán hàng hóa, bao gồm nhiều thủ đoạn nhằm trục lợi bất chính, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến sự lành mạnh của thị trường.

    Một số thủ đoạn “buôn gian bán lận” phổ biến có thể kể đến như:

    - Bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng: Sử dụng các sản phẩm giả mạo thương hiệu nổi tiếng, sản xuất hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hoặc pha trộn tạp chất.

    - Lừa đảo về giá cả: Báo giá cao hơn giá thực tế, không niêm yết giá rõ ràng, hoặc sử dụng mánh khóe để tăng giá bán.

    - Hàng hóa thiếu cân, thiếu đong: Sử dụng cân thiếu, thước thiếu, hoặc gian lận trong quá trình đóng gói để gian lận số lượng sản phẩm.

    - Quảng cáo gian dối: Đưa ra thông tin sai lệch về sản phẩm, dịch vụ, hoặc sử dụng hình ảnh, video không đúng sự thật để đánh lừa người tiêu dùng.

    - Khuyến mãi trá hình: Tạo ra các chương trình khuyến mãi lừa đảo để thu hút khách hàng, nhưng thực chất không có ưu đãi thực tế.

    "Buôn gian bán lận" không chỉ gây thiệt hại về mặt vật chất cho người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân, tổ chức buôn bán gian lận và làm suy thoái lòng tin của xã hội vào thị trường. Do đó, cần có những biện pháp mạnh mẽ để phòng chống và xử lý nghiêm minh các hành vi này.

    Hành vi lừa dối khách hàng bị xử phạt như thế nào?

    Căn cứ vào quy định tại Khoản 1 Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015, thì tội lừa dối khách hàng là việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác trong việc mua bán để thu lợi bất chính.

    * Truy cứu trách nhiệm hình sự:

    Người có hành vi lừa dối khách hàng nếu đủ các yếu tố cấu thành tội lừa dối khách hàng theo quy định trên thì sẽ có khung hình phạt như sau:

    Khung 1: Phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm đối với một trong các trường hợp sau đây:

    + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

    + Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

    Khung 2: Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    + Có tổ chức;

    + Có tính chất chuyên nghiệp;

    + Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

    + Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

    Khung hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    * Xử phạt hành chính:

    Trường hợp hành vi lừa dối khách hàng chưa đủ yếu tố cấu thành tội lừa dối khách hàng theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 thì người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 61 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, cụ thể:  

    - Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị dưới 5.000.000 đồng:

    + Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng, người tiêu dùng do nhầm lẫn;

    + Đánh tráo, gian lận hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung ứng dịch vụ cho khách hàng, người tiêu dùng;

    + Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại hàng hóa, dịch vụ bị đánh tráo, gian lận cho khách hàng, người tiêu dùng;

    + Tự ý bớt lại bao bì, phụ tùng, linh kiện thay thế, hàng khuyến mại, tài liệu kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng kèm theo khi bán hàng, cung cấp dịch vụ;

    + Thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, đề nghị giao dịch trực tiếp với đối tượng là người không có năng lực hành vi dân sự hoặc người mất năng lực hành vi dân sự;

    + Yêu cầu hoặc buộc người tiêu dùng thanh toán chi phí hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng;

    + Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng.

    - Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều  61 Nghị định 98/2020/NĐ-CP trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng.

    - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều  61 Nghị định 98/2020/NĐ-CP trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

    - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều  61 Nghị định 98/2020/NĐ-CP trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

    - Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều  61 Nghị định 98/2020/NĐ-CP trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

    - Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

    + Không giải trình hoặc giải trình không đúng thời hạn hoặc không cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định;

    + Từ chối tiếp nhận yêu cầu tiến hành thương lượng của người tiêu dùng hoặc không tiến hành thương lượng với người tiêu dùng trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của người tiêu dùng theo quy định.

    - Biện pháp khắc phục hậu quả:

    + Buộc thu hồi hàng hóa không bảo đảm chất lượng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm g khoản 1 trong các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 5 Điều  61 Nghị định 98/2020/NĐ-CP;

    + Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 61 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

    Có thể thấy rằng, hành vi “buôn gian bán lận” có thể hiểu là lừa dối khách hàng trong hoạt động mua bán, gây thiệt hại đến người tiêu dùng cũng như xâm phạm trật tự quản lí thị trường. Hành vi này có thể bị phạt tù cao nhất đến 05 năm, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

     
    615 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận